14/02/2025
Đường về của những người lầm lỗi (kỳ cuối): Dấu ấn từ những mô hình
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh về triển khai các nhiệm vụ công tác giúp đỡ, tạo điều để người từng chấp hành án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tham mưu, xây dựng nhiều mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm, quyết tâm hướng thiện để làm lại cuộc đời.
Lối mở cho người lầm lỗi
Mô hình “Câu lạc bộ bạn giúp bạn” tại các xã Ia Băng, Nam Yang và thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa là một điển hình. Được thành lập vào tháng 9/2020 (tại xã Ia Băng), với tiêu chí của mô hình là tạo mọi điều kiện giúp đỡ người từng lầm lỗi xoá bỏ mặc cảm, chăm lo phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống, không tái phạm tội.
Thông qua mô hình “Câu lạc bộ bạn giúp bạn”, Công an huyện Đak Đoa đã kết nối với Công ty nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (trụ sở tại xã Ia Pết), nhận 06 trường hợp người lầm lỗi vào làm việc và có thu nhập ổn định. Anh Lê Hoàng Linh – Quản lý công ty chia sẻ: “Được sự giới thiệu của Công an huyện Đak Đoa, Công ty đã nhận những trường hợp từng lầm lỗi vào làm việc. Tôi nhận thấy các bạn này làm việc rất chăm chỉ, trách nhiệm, ứng xử với anh em đồng nghiệp rất tốt. Bản thân tôi cũng quán triệt với toàn thể nhân viên phải thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tuyệt đối không có sự phân biệt, hoặc lời nói thiếu chuẩn mực làm tổn thương họ. Tôi cho rằng, giúp đỡ người lầm lỗi cũng là trách nhiệm của phía Công ty và toàn xã hội để họ sớm ổn định cuộc sống, tin tưởng vào ngày mai tốt đẹp hơn”.
Mô hình “Vững bước trên con đường hoàn lương” ở xã Hà Tam, huyện Đak Pơ cũng đang phát huy hiệu quả và lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Xã Hà Tam có 48 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó số tái hòa nhập cộng đồng là 09 người, chủ yếu phạm các tội, như: đánh bạc; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; cố ý gây thương tích…. Tháng 6/2023, được sự tham mưu của Công an xã, UBND xã Hà Tam đã quyết định thành lập mô hình giúp đỡ những người lầm lỗi. Thượng tá Hoàng Trung Thông – Trưởng Công an huyện Đak Pơ đánh giá: Thông qua mô hình này, Công an và các ban, ngành ở cơ sở đã tập trung thực hiện tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; nắm tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù trở về; hướng dẫn các thủ tục hành chính (đăng ký cư trú, làm CCCD,...); tư vấn về các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước: vay vốn, tạo việc làm… Ban Chỉ đạo mô hình đã quyết định thành lập 04 tổ “quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù” (mỗi thôn 01 tổ). Đối với những trường hợp còn gặp khó khăn thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất kinh doanh để có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp họ ổn định cuộc sống. Thông qua mô hình để xác định những trường hợp sống buông thả, lười lao động dễ tái phạm tội để có biện pháp giáo dục, quản lý phù hợp.
Đến nay, các đơn vị chức năng và Công an các địa phương trên toàn tỉnh đã tham mưu, ra mắt, phát huy hiệu quả hoạt động thiết thực của 32 mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; các mô hình được thành lập đều có quy chế, quy định chế độ, trách nhiệm của các cấp hội và ban, ngành, người uy tín, chức sắc tôn giáo ở cơ sở cùng tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Thông qua các mô hình đã gắn kết các thành viên và tạo điều kiện thuận lợi nhất, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Vừa qua, Công an tỉnh Gia Lai đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng mô hình “Tổ tư vấn cấp tỉnh về công tác tái hòa nhập cộng đồng” với sự tham gia của nhiều sở, ngành như: Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Tư pháp, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh. Mục đích của mô hình là tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương được hỗ trợ pháp lý, tư vấn tâm lý, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và không tái phạm tội.
Vừa giúp đỡ, vừa quản lý tốt người chấp hành xong án phạt tù
Đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi trở về địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Thượng tá Ksor H’Bơ Khắp – Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã luôn quan tâm, phối hợp tốt với gia đình, người thân của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tạo môi trường xã hội lành mạnh, xóa bỏ mặc cảm, tự ti giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Để thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới, các đơn vị, Công an địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Thường xuyên rà soát, phân loại, cập nhật thông tin về người chấp hành xong án phạt tù, bổ sung hồ sơ nhằm chủ động quản lý số người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị, địa phương trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình liên quan đến những người chấp hành xong án phạt tù cư trú trên địa bàn nhưng đi nơi khác, số từ địa phương khác đến cư trú trên địa bàn để kịp thời quản lý, giáo dục, giúp đỡ, phòng ngừa không để tái phạm tội.
Thượng tá Ksor H’Bơ Khắp nhấn mạnh: Công an Gia Lai tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan Trung ương. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phải lồng ghép, gắn kết công tác này trong các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và công tác phòng, chống tội phạm ở địa phương. Đặc biệt, chú trọng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người chấp hành xong án phạt tù, tạo nguồn vốn để người chấp hành xong án phạt tù và gia đình thoát nghèo, gỡ bỏ mặc cảm, tự ti, tu chí lập nghiệp ngay từ ngày đầu khi họ trở về gia đình, xã hội. Công an các địa phương chú trọng công tác tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh và chính quyền các cấp trong công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, trọng tâm là tham mưu tổ chức liên kết đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm; xây dựng và ban hành các chính sách về dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị, đặc biệt là người uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo… để quản lý tốt những trường hợp từng chấp hành xong án phạt tù chưa tu chí làm ăn, có nguy cơ tái phạm tội để có những giải pháp quản lý, cảm hóa phù hợp giúp họ thay đổi tâm tính, ý thức chấp hành pháp luật, qua đó góp phần đảm bảo tốt ANTT trên địa bàn.
Ngày 15/3/2024, Công an tỉnh Gia Lai tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành 2 Đề án: “Nâng cao hiệu quả công tác tái hoà nhập cộng đồng” và “Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự tại cộng đồng” giai đoạn 2024-2025. Nội dung trọng tâm của 2 Đề án là nhằm huy động sự vào cuộc của hệ thông chính trị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chính quyền cơ sở, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ để hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng; Cơ quan Công an tiếp tục phối hợp quản lý chặt chẽ đối với những trường hợp đang thi hành án hình sự tại cộng đồng, đảm bảo thượng tôn pháp luật.
Hữu Trường – Bảo Hân