04/07/2025
TP.HCM: Cảnh báo sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều địa phương
Trong tuần 26 (từ ngày 23 đến 29/6/2025), toàn Thành phố ghi nhận 645 ca sốt xuất huyết, tăng 60,4% so với trung bình 4 tuần trước.
Tính từ đầu năm đến nay, TP.Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng 10.262 ca sốt xuất huyết, tăng 151,2% so với cùng kỳ năm 2024 (4.085 ca). Dù số ca hiện tại vẫn thấp hơn so với mức trung bình cùng kỳ giai đoạn 2022–2024, nhưng điều đáng lưu ý là tốc độ gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, đặc biệt từ tuần 23 trở đi, cho thấy nguy cơ bùng phát dịch khi Thành phố bước vào cao điểm mùa mưa.
Ca bệnh nặng và nhóm tuổi chịu ảnh hưởng
Toàn Thành phố đã ghi nhận 153 ca sốt xuất huyết Dengue nặng, chiếm 1,5% tổng số ca mắc. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn nếu không kiểm soát tốt.
Phân tích nhóm tuổi, số ca mắc ở nhóm trên 15 tuổi cao gấp 1,6 lần nhóm 15 tuổi trở xuống. Điều này cho thấy mô hình dịch có thể đang chuyển dịch dần sang nhóm người lớn, tương tự xu hướng đã ghi nhận trong các đợt bùng phát trước đây.
Nhận định và khuyến cáo
Dữ liệu giám sát cho thấy TP.Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm mùa mưa, với các điều kiện môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Số ca mắc hàng tuần có xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn. Nếu công tác kiểm soát ổ dịch và diệt lăng quăng không được duy trì thường xuyên, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao, có thể gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt tại các bệnh viện nhi và tuyến quận, huyện.
So sánh với giai đoạn 2019–2022, các đợt dịch lớn đều bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, đây cũng là khung thời gian Thành phố cần đặc biệt cảnh giác. Với xu hướng gia tăng ca bệnh trong mùa mưa, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục xác định chủ động phòng ngừa – phát hiện sớm – xử lý triệt để là giải pháp then chốt để kiềm chế dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt, trong Tháng cao điểm phòng, chống dịch bệnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành y tế và cộng đồng sẽ quyết định hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong những tháng cao điểm còn lại của năm 2025.
Trước diễn biến phức tạp, ngành Y tế Thành phố khuyến cáo người dân không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng như sau:
- Diệt lăng quăng bằng cách tìm và loại bỏ vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng. Các biện pháp xử lý phù hợp đối với từng loại vật chứa:
+ Đối với các vật chứa nước có mục đích để phục vụ cho sinh hoạt hằng này: đậy kín xô, thùng, hồ,... chứa nước sinh hoạt khi không sử dụng và súc rửa thường xuyên; thay nước và súc rửa thường xuyên (bình bông, đĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng,…) hoặc thả cá bảy màu ăn lăng quăng (hòn non bộ, cây thủy sinh…).
+ Đối với các vật chứa nước có mục đích để phục vụ cho sinh hoạt, nhưng chưa hoặc không sử dụng thường xuyên: phải có biện pháp sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước.
+ Đối với các vật chứa nước không có mục đích sử dụng (phế liệu có thể loại bỏngay): thu gom và loại bỏ ngay.
- Diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích bằng các biện pháp như: Ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi...
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.
Nguồn: TTKSBTTP (HCDC)