Tin Tức 24h New

Tin Tức 24h New Chuyên gia tin tức _ chuyên cập nhập tin tức nóng hổi trong 24h

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đưa ra năm giải pháp tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng chống dịch từ...
20/08/2021

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đưa ra năm giải pháp tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng chống dịch từ 0 giờ ngày 23-8.
Sáng 20-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Tham dự buổi họp có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, đã thông tin về năm giải pháp nâng cao phòng chống dịch.

Theo ông Hải, thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch 2715 của UBND TP.HCM, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp với phương châm mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch với năm giải pháp. Cụ thể:

- Người dân TP đảm bảo thực hiện quy định giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp...

- Tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tử vong.

- Tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ở những người dân ở khu vực “vùng đỏ trên bản đồ COVID-19 TPHCM”.

- Tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân

- TP.HCM đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời cho người dân khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư.
- Đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K + vaccine + thuốc, không tập trung mua hàng, TP đã có phương án đưa hàng hóa cho người dân.

Tính đến hôm nay, TP.HCM đã trải qua 43 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó TP có 26 ngày áp dụng thêm các biện pháp tăng cường.

Theo đó, TP.HCM bắt đầu quyết định giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9-7, khi đó cả hệ thống chính trị và nhân dân TP đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp nhưng dịch vẫn phức tạp.

Đến ngày 22-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ký Chỉ thị khẩn số 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Tiếp đó ngày 23-7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký Công văn số 2468 về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16. Trong đó, yêu cầu các khu phong tỏa, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Đến ngày 26-7, UBND TP tiếp tục có văn bản khẩn yêu cầu mọi người dân trên địa bàn TP hạn chế tối đa ra đường, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ (hàng ngày).

Từ 0 giờ ngày 2-8, TP.HCM tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày. TP yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân TP an tâm “ai ở đâu ở đấy”.

Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi TP cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND TP phối hợp với các tỉnh, thành đưa về quê theo nhu cầu.

Amazon chiếm 'ngôi vương' bán lẻ của WalmartLịch sử ngành bán lẻ đã sang trang khi Amazon thay Walmart thành nhà bán lẻ ...
19/08/2021

Amazon chiếm 'ngôi vương' bán lẻ của Walmart
Lịch sử ngành bán lẻ đã sang trang khi Amazon thay Walmart thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Alibaba, nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc, vẫn là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Nhưng nếu xét thị phần bên ngoài đất nước đông dân nhất, Amazon hiện đứng đầu.

Được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu tăng cao trong thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng đã chi hơn 610 tỷ USD để mua sắm trên Amazon trong 12 tháng (năm tài khoá kết thúc vào tháng 6), theo ước tính của FactSet. Trong khi đó, hôm thứ Ba (18/8), Walmart đã công bố doanh số 566 tỷ USD trong 12 tháng kết thúc vào tháng 7.

"Đó là một khoảnh khắc lịch sử. Walmart đã tồn tại quá lâu, bây giờ Amazon xuất hiện với một mô hình khác và thay thế vị trí số một", Juozas Kaziukenas, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Marketplace Pulse, bình luận.

Như vậy, Amazon đã soán ngôi một trong những công ty bán lẻ thành công nhất và đáng sợ nhất trong những thập kỷ gần đây. Walmart nổi tiếng với mô hình bán lẻ tối ưu hóa chi phí giúp giảm sâu giá sản phẩm, cách giúp họ đủ sức đánh bại các đối thủ lâu nay.

Nhưng ngay cả với tất cả hiệu quả và sức mạnh đó, Internet ngày càng thống trị môi trường bán lẻ. Và không có công ty nào tận dụng điều đó tốt hơn Amazon. Việc giao hàng đến tận cửa nhà trong một hoặc hai ngày với nhiều lựa chọn, đã thu hút khách hàng đến với mua sắm trực tuyến, khiến họ mua nhiều hơn. Thực tế, xu hướng đó cũng đã đưa nhà sáng lập Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới.

Nhận diện thương hiệu của Amazon, Walmart. Đồ hoạ FT ghép từ ảnh của Reuters, Bloomberg

Phố Wall từng dự báo ngôi vương bán lẻ sẽ đổi chủ trong những năm tới. Nhưng đại dịch đã đẩy nhanh tiến độ, vì những người mắc kẹt ở nhà phụ thuộc vào mua hàng trực tuyến. Doanh số bán hàng của Walmart đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, nhưng không sánh được với Amazon. Hãng bán lẻ trực tuyến này đã bổ sung hàng trăm nhà kho mới và thuê khoảng 500.000 công nhân kể từ đầu năm ngoái.

Doanh thu của Walmart đã tăng 24 tỷ USD trong năm ngoái. Nhưng trong khoảng thời gian gần như cùng kỳ, tổng giá trị hàng hóa mà mọi người mua trên Amazon đã tăng gần 200 tỷ USD, theo ước tính của các nhà phân tích.

Và khi Amazon bước lên ngai thống trị, người ta cũng bắt đầu dò xét họ kỹ hơn. Công ty đã bắt đầu nhận được nhiều lời phàn nàn về cách đối xử với người lao động, tác động đến nền kinh tế địa phương và quốc gia. Điều đó tương tự những gì Walmart phải đối mặt trong thời kỳ mở rộng lớn nhất hơn thập kỷ trước. "Con sói đáng sợ nhất giờ là Amazon", Barbara Kahn, Giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania, bình luận.

Những năm 1940, chuỗi tạp hóa A.& P. dẫn đầu ngành bán lẻ Mỹ. Đầu những năm 1960, Sears vượt mặt chuỗi này nhờ những người mua sắm trung lưu ở vùng ngoại ô và mở rộng mô hình cửa hàng bách hóa. Sau đó là Walmart lên ngôi.

Năm 1962, Sam Walton thành lập công ty bán lẻ tại thị trấn nhỏ Arkansas. Ông Walton có "một niềm đam mê thực sự - một số người nói là ám ảnh - để chiến thắng", ông viết trong cuốn tự truyện của mình. Ông đã bán rất nhiều loại sản phẩm với giá thấp, bao gồm cả thực phẩm tươi sống. Nhưng sự đổi mới thực sự của ông là xây dựng một mạng lưới hậu cần rộng lớn hoạt động với độ chính xác và hiệu quả đến mức nó đã đánh bại nhiều đối thủ.

Đến những năm 1990, Walmart đã vượt qua Sears. Và sau đó họ tiếp tục mở hàng nghìn cửa hàng và mua lại các nhà bán lẻ khác trên toàn thế giới. Cũng giống như Walton thành lập Walmart khi Sears lên ngôi, Bezos thành lập Amazon vào đầu những năm 1990, khi Walmart là vua.

Guru Hariharan từng làm việc trong lĩnh vực bán lẻ của Amazon. Ông hiện là nhà sáng lập CommerceIQ, công ty tư vấn cho các thương hiệu như Colgate và Kimberly-Clark về thương mại điện tử. Ông cho biết Amazon đã làm lu mờ Walmart bằng cách chơi một trò chơi khác. Trong khi Walmart phải tăng cường khóa chặt các cửa hàng thực thì mua sắm trực tuyến đang phát triển nhanh hơn nhiều, ngay cả khi nó chỉ chiếm khoảng một phần bảy doanh số bán lẻ của Mỹ. Amazon thu được 41 cent trên mỗi USD chi tiêu trực tuyến ở Mỹ, trong khi Walmart chỉ thu được 7 cent, theo eMarketer.

Amazon đã đi lên một phần vì họ cho phép người bán bên thứ ba mở cửa hàng trên nền tảng, cùng với các mặt hàng mà chính công ty kinh doanh. Cách làm này giúp tăng đáng kể độ phong phú hàng hóa. Gần hai triệu người bán cung cấp các sản phẩm trên Amazon, và họ chiếm 56% các mặt hàng được bán.

Nhưng mô hình này khiến việc xác định tầm ảnh hưởng thực sự của Amazon trong ngành bán lẻ trở nên khó khăn hơn. Công ty chỉ nắm bắt và báo cáo các khoản phí mà họ tính cho người bán, vận chuyển và tiếp thị hàng hóa của họ, chứ không phải tổng số tiền chảy qua hoạt động kinh doanh. Mô hình này mang lại nhiều lợi nhuận hơn, nhưng tạo ra ít doanh thu hơn.

Trong 12 tháng qua, Amazon báo cáo tổng doanh thu bán lẻ là 390 tỷ USD. Nhưng tổng doanh số bán sản phẩm, bao gồm cả các giao dịch của bên thứ ba, cao hơn gần 60%, theo ước tính của các nhà phân tích.

Amazon không thường xuyên tiết lộ tổng giá trị hàng hóa của mình. Nhưng vào năm 2019, đối mặt với áp lực chống độc quyền, ông Bezos đã chia sẻ con số khi đó là 277 tỷ USD như một cách để cho thấy rằng người bán bên thứ ba đang tăng trưởng nhanh hơn so với việc kinh doanh trực tiếp của Amazon.

Khi Bezos điều trần trước Quốc hội Mỹ vào mùa hè năm ngoái, ông đã chỉ Walmart như bằng chứng cho thấy ngành bán lẻ vẫn còn cạnh tranh. "Chúng tôi cạnh tranh với những đối thủ lớn, có tên tuổi như Target, Costco, Kroger và dĩ nhiên là Walmart", ông nói, "một công ty có quy mô lớn hơn gấp đôi Amazon", có lẽ là đề cập đến doanh thu của Walmart.

Walmart vẫn là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất ở Mỹ, với 1,6 triệu lao động. Riêng ở Mỹ thì họ cũng có doanh số cao hơn so với Amazon, mặc dù J.P. Morgan ước tính rằng Amazon sẽ vượt qua Walmart ở Mỹ vào năm tới.

Trong thời kỳ đại dịch, Walmart sử dụng các cửa hàng của mình như các trung tâm phân phối nhỏ, nơi người mua sắm lái xe đến nhận hàng, một cách ít tốn kém hơn nhiều so với đặt mua và chờ giao tận nhà. Walmart dự kiến sẽ đạt 75 tỷ USD doanh số bán hàng trực tuyến trong năm nay.

Edward Yruma, nhà phân tích bán lẻ và CEO KeyBanc Capital Markets, cho biết Amazon chỉ mới bắt đầu hiểu rõ thực tế về quy mô của bản thân. Amazon từ lâu đã đóng vai trò là người mới nổi, ngay cả khi họ trở nên lớn mạnh. Chỉ trong mùa hè này, họ đã tuyển dụng khoảng 1,3 triệu người.

"Chúng ta khởi nghiệp trong một nhà xe, nhưng chúng ta không còn ở đó nữa", bản điều lệ lãnh đạo mới của công ty mới được bổ sung, như một chỉ dấu thừa nhận quy mô to lớn hơn của họ.

VTV.vn - UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ cho ngân sách TP 27.968 tỷ đồng và 142.200 t...
18/08/2021

VTV.vn - UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ cho ngân sách TP 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để chăm lo cho người dân.
Để người dân, người lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, tránh tình trạng rời Thành phố để sang các tỉnh khác hoặc về quê, chiều 17/8, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét hỗ trợ cho ngân sách thành phố số tiền 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian Thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, số hộ lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là 1.580.110 hộ, số người lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là 4.740.330 người. Mức hỗ trợ tiền ăn là 50.000 đồng/hộ/ngày, hỗ trợ tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, hỗ trợ 15 kg gạo/người.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư có tốc độ lây lan nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm dịch của đợt 4, sự bùng phát lây lan dịch trong cộng đồng, số lượng người mắc bệnh và tử vong tăng nhanh.

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn. Các cấp độ thắt chặt xã hội được tăng dần. Đồng thời, Thành phố cũng đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1081/CĐ- TTg ngày 16/8/2021 về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nêu: "Nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế; có chính sách thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch".

Tuy nhiên đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và tốc độ thu ngân sách trên địa bàn. Số thu ngân sách có xu hướng giảm dần từ tháng 5, tháng 6 và dự kiến năm 2021 không đạt dự toán Trung ương giao. Đặc biệt, dịch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, người lao động nghèo, khiến nhiều người phải rời Thành phố để sang các tỉnh, thành phố khác hoặc về quê. Qua rà soát, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.580.110 hộ lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Từ ngày 31/5 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng giãn cách xã hội. Cụ thể từ ngày 31/5 – 14/6: Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; từ ngày 15/6 – 8/7 Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố. Từ ngày 9/7 – 15/9, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng bài báo trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được trích dẫn nhiều nhất. Các chuyên gia thu...
18/08/2021

Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng bài báo trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được trích dẫn nhiều nhất. Các chuyên gia thuộc Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã tính toán tỷ lệ trung bình của các trích dẫn nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên giữa hai quốc gia trong giai đoạn từ năm 2017-2019.

Kết quả cho thấy các nhà khoa học Trung Quốc chiếm 24,8% số bài báo trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, trong khi các nhà khoa học Mỹ chỉ chiếm 22,9%.

Trung Quốc đang "vượt mặt" Mỹ
Như vậy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng công trình khoa học được trích dẫn nhiều nhất. Các nhà khoa học Trung Quốc đã xuất bản và công bố 40.219 công trình, trong khi các nhà khoa học Mỹ chỉ công bố 37.124 công trình. Điều đáng chú ý không chỉ là số lượng công trình khoa học, mà là những tiến bộ Bắc Kinh đã đạt được trong thập kỷ qua.

Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã tăng số lượng các bài báo khoa học có trích dẫn nhiều nhất lên gấp 5 lần. Để so sánh, ở Mỹ mức tăng chỉ là 3%. Mỹ tiếp tục dẫn đầu về khoa học sinh học, còn Trung Quốc đã đạt được thành công lớn nhất trong các lĩnh vực khoa học vật liệu, hoá học và kỹ thuật.

Ví dụ, Bắc Kinh đã vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Xét về tổng số bài báo khoa học liên quan đến AI, Trung Quốc từ lâu đã vượt Mỹ. Từ năm 2012-2021, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố 240.000 công trình khoa học trong lĩnh vực này, còn các nhà khoa học Mỹ chỉ có 150.000 công trình.

Cho đến gần đây, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số nhà khoa học được trích dẫn cao toàn cầu. Tuy nhiên vào năm 2020, theo một nghiên cứu của Đại học Stanford, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ về số trích dẫn nghiên cứu học thuật liên quan đến AI, chiếm 20,7% tổng số nghiên cứu, cao hơn so với 19,8% của Mỹ.

Sự hiện diện của các chuyên gia Trung Quốc tại các hội nghị khoa học quốc tế ngày càng lớn. Ví dụ, trong tổng số các bài thuyết trình được công bố tại Hội nghị quốc tế về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh nhân tạo năm 2019, số lượng lớn nhất thuộc về các nhà khoa học Trung Quốc (29%), người Mỹ đứng thứ hai (20%)
Lĩnh vực quan trọng chiến lược

Trung Quốc coi trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng về mặt chiến lược.

Năm 2017, Bắc Kinh đã công bố Kế hoạch Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đến năm 2030. Theo kế hoạch, đến thời điểm này, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất thế giới trong lĩnh vực AI.

Ngành này sẽ thu hút 150 tỷ USD. Bắc Kinh cũng ban hành nhiều văn bản chính sách, bổ sung các chỉ thị cụ thể hơn của chính phủ trung ương, các bộ ngành và ban ngành.

Ví dụ, theo kế hoạch ba năm phát triển AI, cần phải kích thích phát triển các sản phẩm thông minh như ô tô thông minh, robot thông minh và máy bay không người lái, hệ thống nhận dạng giọng nói, máy y tế về chẩn đoán hình ảnh.

Trung Quốc đã đạt được thành công không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết trí tuệ nhân tạo, mà còn cả những ứng dụng thiết thực của AI trong cuộc sống.

Ví dụ, kể từ năm 2016, hệ thống City Brain của Alibaba ra đời giúp giám sát tất cả phương tiện giao thông tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc. Kết quả của việc áp dụng hệ thống “thông minh” đã giúp giảm thiểu 15% tỷ lệ ùn tắc.

Sau đó, nhiều thành phố của Trung Quốc bắt đầu sử dụng những “cảm biến thông minh” và thuật toán AI để tối ưu hóa nền kinh tế đô thị của họ.

Ví dụ, nhờ việc sử dụng hệ thống phân tích video từ camera nhận diện khuôn mặt cũng như các cảm biến khác nhau, bao gồm cả thiết bị Internet vạn vật (IoT) lấy dữ liệu ở xa về mức tiêu thụ năng lượng, các cơ quan chức năng có thể giám sát việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Các thuật toán AI của Trung Quốc cũng đã giúp phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để thiết lập một hệ thống toàn quốc về “mã sức khỏe” số.

Tất cả những điều này đã giúp ích cho cuộc chiến chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, một số công ty Trung Quốc chẳng hạn như iFlytek, trong hơn 10 năm liên tiếp, đã đứng đầu tại các cuộc thi quốc tế về thuật toán nhận diện giọng nói. Tất cả những thành công này là kết quả của nhiều năm làm việc của các nhà khoa học Trung Quốc.

Điều gì làm nên sức mạnh của Trung Quốc?
Một lợi thế cạnh tranh lớn khiến Trung Quốc phát triển mạnh về AI là nguồn dữ liệu dồi dào mà nước này tạo ra.

Đến năm 2030, ước tính có khoảng 8 tỷ thiết bị ở Trung Quốc sẽ được kết nối IoT và sẽ tạo ra nhiều dữ liệu hơn nữa. Dự kiến đến năm 2025, 1/3 dữ liệu của thế giới sẽ được tạo ra ở Trung Quốc.

Vì sự tiến bộ trong lĩnh vực AI phụ thuộc vào số lượng và chất lượng dữ liệu, người đứng đầu Sinovation Ventures và cựu Chủ tịch Google Trung Quốc Kai-Fu Lee đã nhấn mạnh rằng dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ XXI. Quốc gia nào thu thập nhiều dữ liệu hơn cuối cùng sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực AI.

Mỹ vẫn duy trì vị trí hàng đầu trong các nghiên cứu cơ bản. Ví dụ, các nền tảng nguồn mở để học máy mà các nhà phát triển khắp thế giới đang sử dụng đều được sản xuất bởi các công ty Mỹ như Google, Facebook và những công ty khác. Các chip cần thiết để thực hiện những phép tính phức tạp cũng được các công ty Mỹ phát triển.

Nhìn chung, nếu kết hợp lực lượng của hai nước, các nhà khoa học có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án trong lĩnh vực AI, chuyên gia Trung Quốc về công nghệ Internet Liu Xingliang nói với đài Sputnik.

Mặc dù vậy, đó là kịch bản tối ưu nhất. Trên thực tế, yếu tố chính trị có thể gây cản trở.

Những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI đã gây ra sự lo ngại cho Washington. Báo cáo của Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về trí tuệ nhân tạo được trình lên Tổng thống và Quốc hội Mỹ vào mùa Xuân năm nay cảnh báo nguy cơ Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực AI, kêu gọi Washington tăng cường đầu tư vào AI.
Chủ đề chính trong báo cáo cho rằng các hệ thống AI có thể trở thành vũ khí ưu tiên hàng đầu trong các cuộc xung đột tương lai.

Cần lưu ý rằng trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã dựa vào sự phát triển của các thiết bị quân sự “hạng nặng” như tàu chiến, tàu sân bay... và đã tụt hậu so với Trung Quốc trong việc ứng dụng các công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự.

Các tác giả của báo cáo cảnh báo rằng dù vẫn còn chưa quá muộn song nếu điều này tiếp tục, Trung Quốc với các máy bay không người lái tấn công theo kiểu “bầy đàn” sẽ có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột quân sự tiềm tàng chống lại hạm đội hùng mạnh của Mỹ.

Để ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ AI ở Trung Quốc, Mỹ nên duy trì vị thế dẫn đầu về chip trong ít nhất hai thế hệ sắp tới.

Theo báo cáo, Washington nên tiếp tục chính sách hạn chế cung cấp thiết bị để sản xuất chip thế hệ mới nhất và giám sát cẩn thận việc cung cấp các công nghệ cao khác cho Trung Quốc.

Về phần mình, Bắc Kinh nhận thấy tầm quan trọng của lợi thế cạnh tranh chính của họ - dữ liệu lớn và đang tăng cường quản lý các lĩnh vực lưu giữ số liệu, chuyển giao số liệu và bảo vệ thông tin cá nhân.

Bennu - tiểu hành tinh hình kim cương mà các nhà khoa học tin rằng chứa "mầm sự sống" sơ khai của hệ Mặt Trời - vẫn có m...
18/08/2021

Bennu - tiểu hành tinh hình kim cương mà các nhà khoa học tin rằng chứa "mầm sự sống" sơ khai của hệ Mặt Trời - vẫn có một tỉ lệ nguy hiểm nhất định đối với Trái Đất, theo NASA.

Theo AP, tuyên bố mới của NASA dựa trên nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Davide Farnocchia từ Trung tâm Nghiên cứu vật thể gần Trái Đất thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA cho biết tỉ lệ Bennu đâm vào Trái Đất là cao hơn trong tính toán mới, nhưng cũng không nên lo lắng về nó quá nhiều.

Nghiên cứu dựa trên nhiều dữ liệu mà tàu Osiris-Rex của NASA đã ghi nhận được. Tàu vũ trụ này hiện đã tiếp cận Bennu cho nhiệm vụ lấy một mẫu vật trực tiếp từ tiểu hành tinh này để đem về Trái Đất, dự kiến đến năm 2023 sẽ về đến nơi.

Trước khi Osiris--Rex đến nơi, các nhà khoa học tin rằng tỉ lệ Bennu va chạm với Trái Đất là 1/2.700 vào năm cho đến năm 2200. Nhưng bây giờ, dữ liệu mới cho thấy tỉ lệ phải là 1/1750 cho đến năm 2300, trong đó ngày nguy hiểm nhất là 24-9-2182.

Theo CNN, NASA trấn an rằng tỉ lệ này vẫn còn thấp và bạn vẫn có thể tin rằng mình an toàn ít nhất trong thế kỷ này.

Nếu Bennu đâm vào Trái Đất, nó không đủ để gây ra đại tuyệt chủng tương tương với vụ va chạm 66 triệu năm trước giết chết loài khủng long, tuy nhiên có thể tạo ra một miệng hố va chạm khổng lồ lớn gấp 100 lần bản thân tiểu hành tinh.

Tuy nhiên NASA vẫn có khá nhiều kế hoạch "phòng thủ Trái Đất", bao gồm sứ mệnh dùng tàu vũ trụ "cảm tử" đánh bật tiểu hành tinh được công bố vào tháng 11-2020. Họ tin rằng với sự phát triển công nghệ của 100 năm tới, việc bảo vệ Trái Đất sẽ còn dễ dàng hơn.

Theo tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mới đây, 90 CEO của các nhãn hàng hàng đầu Hoa Kỳ như Adidas, Coach, Gap,...
17/08/2021

Theo tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mới đây, 90 CEO của các nhãn hàng hàng đầu Hoa Kỳ như Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, VF, Under Amour… đã cùng ký vào một bức thư chung kiến nghị Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tăng tốc viện trợ vắc xin cho Việt Nam.
Lá thư nhấn mạnh, Việt Nam là một đối tác kinh tế, chuỗi cung ứng quan trọng và là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ, đang trải qua một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. Việc kết nối giữa những ngành sản xuất của Việt Nam trong vai trò cung ứng với các ngành sản xuất hàng hóa có liên quan sử dụng 3 triệu lao động tại Hoa Kỳ phụ thuộc trực tiếp và rất lớn vào "sức khỏe" của ngành công nghiệp Việt Nam bởi tính liên thông từ chuỗi giá trị. Do đó, nếu khôi phục nhanh chóng các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu của Việt Nam, thông qua chương trình cung cấp vắc xin sẽ làm giảm thiểu các ảnh hưởng đang tác động trực tiếp đến nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng ở những lĩnh vực, ngành hàng đều có liên quan đến thị trường và doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Các nhãn hàng này đều là thành viên của Hiệp hội May mặc và giày dép Hoa Kỳ (AAFA), một hiệp hội với hơn 1.000 thành viên là các nhãn hàng, doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dệt may, giày dép của Hoa Kỳ.

90 CEO các nhãn hàng hàng đầu Hoa Kỳ cùng kiến nghị tăng tốc viện trợ vắc xin cho Việt Nam
Các nhãn hàng hàng đầu Hoa Kỳ có các hành động đồng hành phối hợp cùng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp dệt may vượt qua đại dịch
Theo bà Hoàng Ngọc Ánh- Tổng Thư ký VITAS, hưởng ứng lời kêu gọi của VITAS và Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam (LEFASO), trước đó ngày 9/6/2021, AAFA đã gửi bức thư thứ nhất tới Tổng thống Biden để kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden chia sẻ vắc xin tới các quốc gia đối tác chính trong chuỗi cung ứng dệt may và giày dép của Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Ngày 27/7/2021, AAFA đã gửi tiếp tục gửi 2 bức thư tới Tổng thống Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính để tiếp tục yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ vắc xin Covid-19 cho Việt Nam, liên tục nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ, đồng thời kiến nghị Chính phủ Việt Nam có những hành động ứng phó với Covid.

Ngày 10/8/2021, VITAS- LEFASO đã có buổi họp cùng hơn 60 CEO của các nhãn hàng Hoa Kỳ bàn về cách thức vận động vắc xin và hỗ trợ y tế nhiều hơn cho Việt Nam, các giải pháp phục hồi từng bước cho sản xuất của các nhà máy. Các nhãn hàng rất lo lắng về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong các tháng cuối năm khi vắc xin chưa về kịp, việc giãn cách gây ảnh hưởng trầm trọng tới việc quay trở lại sản xuất khi việc thực hiện “3 tại chỗ” là không khả thi đối với các doanh nghiệp sử dụng lượng lớn công nhân.

Bà Hoàng Ngọc Ánh cũng kiến nghị, các nhãn hàng có các hành động đồng hành phối hợp cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch; linh hoạt liên kết với các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và miền Bắc để thực hiện đơn hàng trước mắt; chia sẻ các kinh nghiệm về tăng năng suất lao động trong các nhà máy trong bối cảnh phải cắt giảm lao động và phối hợp để cùng giải quyến vấn đề khủng hoảng container đang diễn ra trên toàn cầu.

VITAS cũng hy vọng, trong cuộc họp cấp cao giữa Phó Tổng thống Hoa Kỳ Haris và lãnh đạo Chính phủ Việt Nam vào cuối tháng 8, các sáng kiến phối hợp để bảo toàn sức khỏe chuỗi cung ứng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được thảo luận chi tiết để có hành động nhanh và hiệu quả trong tháng 9.

Những ngày qua, TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều đội tiêm lưu động đến tận nhà để tiêm vaccine cho người già, người khuyết t...
17/08/2021

Những ngày qua, TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều đội tiêm lưu động đến tận nhà để tiêm vaccine cho người già, người khuyết tật... không thể đi lại được.
Ghi nhận của phóng viên tại điểm tiêm lưu động Phường 9, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, đa số người được tiêm đều là người cao tuổi, người khuyết tật… Nhờ các xe tiêm lưu động, những người già, người khuyết tật cảm thấy không bị bỏ rơi vì được đi tiêm tận nhà.

Chú thích ảnh
Đội tiêm lưu động sẽ đến tận nhà để tiêm cho người dân có khó khăn về đi lại.
Bà Đỗ Phạm Thị Thúy, ngụ ở đường 9, Phường 9 cho biết: "Khi tổ trưởng khu phố thông báo sáng mai có đội tiêm lưu động sẽ đến tận UBND phường tiêm cho người dân, tôi cảm thấy vui vì chỉ cần đi bộ vài bước là đến điểm tiêm".

“Trước khi đi tiêm, tôi nghĩ điểm tiêm sẽ có đông người dân nên tôi cũng lo lắng, hồi hộp sợ lây dịch bệnh. Nhưng khi đến tiểm tiêm, thấy khu vực tiêm bố trí rộng rãi, thoáng mát nên tôi đã yên tâm hơn. Tại đây, tôi còn được các bạn tình nguyện viên hướng dẫn nhiệt tình, khi đến bàn khám sàng lọc, tôi có thông báo tình hình sức khoẻ của mình cho bác sỹ và được tư vấn cẩn thận, khiến tôi yên tâm tiêm hơn dù tôi bị dị ứng mạn tính và mới phẫu thuật”, bà Đỗ Phạm Thị Thúy chia sẻ thêm.

Tương tự, những ngày qua tại Phường 1, quận Tân Bình, đội tiêm lưu động đã len lỏi từng ngõ hẻm để đến tận nhà tiêm cho người già và người khuyết tật. Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường 1, quận Tân Bình cho biết, đội tiêm lưu động gồm bác sĩ Trưởng trạm y tế phường và một cán bộ y tế phụ trách chính. Ngoài ra, phường cũng bố trí các lực lượng hỗ trợ hậu cần cùng 1 xe cứu thương do Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn Ito đi theo để hỗ trợ kịp thời và xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Người già khó khăn về đi lại được TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm tại nhà.
Với hoạt động này, Phường 1 sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ cư dân trên địa bàn sớm nhất. Mặt khác, nhờ việc tiêm lưu động cũng đang tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tạo sự bình đẳng trong tiếp cận vaccine cho những người già, người khuyết tật của phường.

Còn tại phường 9, quận Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, phường 9 đã tổ chức tiêm 300 mũi vaccine dành cho người già trên 65 tuổi tại địa bàn nhờ xe tiêm lưu động. Những người già đi tiêm được bố trí tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch và được đội ngũ hậu cần phục vụ nhiệt tình. Đối với những người dân trên 65 tuổi, khi bác sỹ tư vấn không được tiêm và phải chờ tiêm ở bệnh viện, cán bộ sẽ điều phối, gọi điện thoại cho những người già khác đến tiêm “thay thế” nhằm tránh mất thời gian và để người dân ai cũng được tiêm gần nhà bằng xe tiêm lưu động.

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Gò Vấp cho biết, với gần 700.000 nhân khẩu, số người trong diện chích ngừa từ 18 tuổi trở lên là 528.000 người. Đây là bài toán yêu cầu quận phải có nhiều giải pháp, gia tăng nguồn lực, cơ sở hạ tầng, kể cả phương tiện tiêm lưu động để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân. Hiện quận cũng đang phấn đấu đảm bảo trong tháng 8 sẽ hoàn thành 70% dân số được tiêm.

"Trong quá trình tổ chức tiêm chủng cho người dân, quận Gò Vấp có 6 điểm tiêm chủng chính. Tuy nhiên, những điểm này lại vô tình gây khó cho người cao tuổi hoặc người già yếu không di chuyển được. Vì vậy, xe tiêm chủng lưu động đang được xem là một biện pháp rất cần thiết để người già, người khuyết tật trên địa bàn được tiếp cận vaccine sớm", ông Nguyễn Trung Hòa nói.

TPO - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội không để người dân tự ý rời k...
17/08/2021

TPO - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội không để người dân tự ý rời khỏi địa phương; cùng với đó có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Công điện 1081/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố.

Các địa phương cần tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0. Riêng đối với một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Cùng với đó, không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê. Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê, đã qua địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh phải thống nhất việc tiếp nhận, quản lý đảm bảo an toàn. Nếu chưa đưa đón về quê được thì giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

Thống nhất với các địa phương liên quan tổ chức đưa đón người dân cần thiết phải về quê thật an toàn, chu đáo. Đặc biệt lưu ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Phó Thủ tướng giao Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan triển khai các biện pháp đồng bộ để kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang không để dịch bệnh thâm nhập từ nước ngoài và từ các tỉnh ngoài khu vực này; tổ chức kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh: Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận không để dịch bệnh lan ra khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Address

Sài Gòn

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Tin Tức 24h New posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Share