08/12/2023
[NHỮNG NGƯỜI LÁI ĐÒ THẦM LẶNG BÊN DÒNG SA GIANG - KỲ 8: HỌC VĂN CÙNG CÔ GIÁO MIỀN TÂY]
Đã bao mùa khai trường đến rồi lại đi nhưng những người thầy, người cô vẫn luôn miệt mài trên bục giảng nắn nót từng con chữ, trau chuốt từng lời văn trên trang giáo án. Thầy cô chính là những người lái đò thầm lặng gieo hạt trên cánh đồng tri thức giúp cho các thế hệ học trò vững bước trên khắp các nẻo đường xây đắp tương lai. Sa Đéc được biết đến là vùng đất hiếu học, đã có nhiều chuyến đò cập bến thành công. Trên dòng sông tri thức, có rất nhiều người lái đò thầm lặng và chúng em đã có dịp trò chuyện với một người lái đò thầm lặng miệt mài đưa khách sang sông. Đó là cô Phạm Thị Cẩm Loan - Giáo viên bộ môn Ngữ Văn của trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu.
Cô được các thế hệ học sinh ấn tượng với hình ảnh một cô giáo giàu lòng nhiệt huyết tận tụy với nghề, cô yêu thương học trò hết mực mặc dù trong giờ học cô rất nghiêm khắc. Theo cô chia sẻ, từ khi còn là học sinh tiểu học cô đã đam mê làm cô giáo nên khi tốt nghiệp THPT cô Phạm Thị Cẩm Loan đã quyết định học ngành sư phạm Ngữ Văn - để thực hiện được ước mơ của mình. Và cũng từ đó, cô đã đưa biết bao chuyến đò cập bến tương lai một cách an toàn trong âm thầm và lặng lẽ. Trước khi đến với mái nhà chung mang tên “Chiểu” cô đã từng công tác tại trường THPT TP Sa Đéc với công việc giảng dạy và kiêm nhiệm công tác Đoàn – Hội. Năm 2012 cô đã thi tuyển vào trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu để thực hiện mong muốn được đồng hành với các bạn học sinh các lớp chuyên Văn trong công tác giảng dạy.
Các thế hệ học trò khi nhắc đến cô đều nhớ đến khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui mỗi lần được cô trả bài là một lần hạnh phúc”. Cô luôn tạo ra những tiết học vui tươi nhẹ nhàng thoải mái và đầy hứng thú để không một ai phải ngủ gật. Gắn bó với rất nhiều thế hệ học sinh, nên đối với cô, mỗi bạn học sinh đều có một nét riêng, một tính cách riêng, một ấn tượng riêng và cô luôn trân trọng tính cách của mỗi học sinh. Trong đó, có cả các bạn học sinh mà nhiều người quen gọi là “học sinh cá biệt” nhưng cô lại không cho là vậy, mà xem đó là các bạn “học sinh đặc biệt”. Và với những bạn này, cô đã chia sẻ là nên có những phương pháp dạy đặc biệt hơn đó là – yêu thương, trân trọng, lắng nghe, đồng cảm và định hướng cho học sinh biết cách hoạch định tương lai của bản thân. Cô rất vui khi chia sẻ cho chúng tôi những tin nhắn của các cựu học sinh như: “Cảm ơn Cô ngày đó đã không bỏ rơi em”, “Cảm ơn cô đã lắng nghe và động viên để em có được ngày hôm nay”. Chúng tôi còn được xem hơn chục tin nhắn của một cậu học trò đều đặn nhắn tin chúc mừng cô vào ngày 20/11 hàng năm dù cô chủ nhiệm anh từ năm 2008.
Ngoài ra, cô còn thành lập một trang đọc sách trên Facebook mang tên “Sunflower stories” cùng với các bạn học sinh khóa V2K5 để truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh. Và kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô tại “Chiểu” cũng chính là lứa học trò V2K5 với nhiều thành tích ấn tượng như: đạt giải nhì HSGQG, giải nhất Hùng biện cấp Tỉnh, giải nhì cuộc thi Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp... Đối với cô, các bạn học sinh ấy luôn có tinh thần học tập, chăm ngoan, lễ phép, khiêm tốn song song với đó là lúc nào cũng năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào. Từ đó, tạo nên một tập thể để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc với cô, giúp cô cảm thấy gắn bó và yêu nghề hơn.
Bộ môn Ngữ Văn là một môn học mang đến rất nhiều ý nghĩa trong đời sống con người, nhưng đôi khi nó cũng gây khó khăn và chán nản cho các bạn học sinh. Vì thế, cô luôn tìm mọi cách để truyền cảm hứng đến học trò về tình yêu văn chương. Ngoài ra cô còn thuyết phục học sinh yêu thích môn học bằng cách chỉ rõ các lợi ích thiết thực của môn Văn trong đời sống. Cô cho rằng: “Cuộc sống hiện đại con người muốn thành công ngoài kiến thức chuyên môn thì chúng cũng cần phải có kỹ năng mềm. Môn Văn sẽ giúp chúng ta rèn luyện rất nhiều kỹ năng như: thuyết trình, giao tiếp, lắng nghe, hợp tác… Đồng thời văn chương giúp bồi đắp tâm hồn ta thêm phong phú và đặc biệt chữa lành tâm hồn, xoa dịu những áp lực cuộc sống mà chúng ta gặp phải. Khi thấy được lợi ích thiết thực, sẽ khiến các bạn học sinh trở nên yêu thích nó”. Cô quan niệm: “Văn học là nhân học – học văn là học làm người. Dạy Văn không phải để chúng ta trở thành nhà văn, nhà thơ mà là để học sinh biết cách áp dụng các kiến thức vào thực tế cuộc sống để mình sống một cách nhẹ nhàng thoải mái”.
Điều đặc biệt ấn tượng ở cô là tinh thần học tập hăng say miệt mài, cô luôn tự học mỗi lúc mỗi nơi. Cô tham gia nhiều khóa học online để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Những lúc rảnh cô thường thư giãn bằng cách trồng hoa, đọc sách, đặc biệt là những quyển sách viết về kỹ năng với một ước mơ sau này nếu có thời gian cô sẽ mở các khóa dạy kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, cô còn thường xuyên đi bộ và thiền để rèn luyện sức khỏe. Từ đó, cô cũng có vài lời nhắn nhủ muốn gửi đến các bạn học sinh của trường chúng ta bên cạnh việc học tập thì các bạn nên tham gia vào các Câu Lạc Bộ của trường để trau dồi thêm nhiều kỹ năng; hãy thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe cho bản thân vì một tinh thần minh mẫn chỉ có trong một cơ thể khỏe mạnh.
Hơn 21 năm gắn bó với nghề và 11 năm dưới mái trường “Chiểu” cô cũng đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong công tác giảng dạy và các hoạt động phong trào. Những chuyến đò ngày ấy vẫn luôn nhớ về người lái đò thầm lặng bằng những tình cảm đong đầy bằng lòng biết ơn sâu sắc. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo cũng ghi nhận sự nỗ lực đóng góp của cô bằng nhiều danh hiệu được trao tặng như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh, Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Nhân đây, CLB Báo Chí muốn gửi đến cô lời tri ân sâu sắc. Cảm ơn cô đã dành hết tâm huyết cho các thế hệ học sinh dưới mái nhà “Chiểu”. Và xin kính chúc cô luôn có thật nhiều sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống! Chúc luôn thành công trong sự nghiệp trồng người!
____________
Thông tin liên hệ:
Email câu lạc bộ:
[email protected]