Lá Trung Quân

Lá Trung Quân Chia sẻ, lan tỏa nhanh chóng các thông tin chính thống

13/06/2025
11/06/2025
11/06/2025

Thượng tướng Lê Quốc Hùng lý giải đề xuất bỏ 8 tội danh có hình phạt tử hình

Chiều 10/6, tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Hội đồng Pháp luật và Tư pháp tổ chức rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự thảo Luật, các quy định liên quan về hình phạt tử hình, các yếu tố liên quan đến tội danh, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, hoàn cảnh phạm tội, nạn nhân bị xâm hại...

Tiếp thu, giải trình về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Việc Chính phủ đề xuất giảm số lượng tội danh có hình phạt tử hình nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hẹp hình phạt tử hình, trên cơ sở kế thừa tinh thần thu hẹp dần hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự qua các lần sửa đổi, bổ sung. Tại Bộ luật Hình sự năm 1985 có 44 tội có hình phạt tử hình, đến Bộ luật Hình sự năm 1999 còn 29 tội có hình phạt tử hình, đến Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 còn 22 tội có hình phạt tử hình, đến Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ còn 18 tội có hình phạt tử hình.

Trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bỏ 8 tội danh có hình phạt tử hình, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các vấn đề: Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; tầm quan trọng của khách thể được bảo vệ; khả năng khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; căn cứ kết quả tổng kết công tác thi hành Bộ luật Hình sự, nhiều tội danh có quy định về hình phạt tử hình, nhưng không áp dụng trên thực tế thời gian qua.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện nay, xu hướng về việc giảm hình phạt tử hình trong quy định của pháp luật, cũng như thực tế thi hành trên thế giới, khá phổ biến. Trong 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc, chỉ còn hơn 50 quốc gia quy định về hình phạt tử hình.

Trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam khi là thành viên của các điều ước quốc tế có liên quan, đặc biệt tại khoản 2 Điều 6 Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị đã ghi nhận: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ, chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng nhất”.

Phục vụ hoạt động hội nhập quốc tế của nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng hệ thống pháp luật tương đồng với đa số các nước trên thế giới sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt và tin tưởng lẫn nhau.

Ngoài ra, hình thức thi hành hình phạt tử hình của nhân loại cũng như ở nước ta theo hướng ngày một nhân đạo hơn, từ các hình thức mang tính trả thù, trút giận vào người phạm tội như tùng xẻo, ném vào vạc dầu, ném vào chuồng cọp, tứ mã phanh thây… đến nay chủ yếu các quốc gia không áp dụng các hình thức tử hình này. Việt Nam đã áp dụng hình thức tử hình được coi là nhân đạo nhất đó là tiêm thuốc độc.

Từ các vấn đề nêu trên, Chính phủ nhận thấy, việc bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh như trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9 là phù hợp trong điều kiện nước ta hiện nay, một mặt vẫn đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời đáp ứng được tiến trình tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình, cũng như yêu cầu hợp tác, mở rộng quan hệ quốc tế để phát triển đất nước.

Riêng đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Cũng theo Thượng tướng Lê Quốc Hùng, việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy trong dự thảo Luật, quy định tại điều luật này chỉ xử lý đối với những người đang trong quá trình cai nghiện hoặc vừa kết thúc quá trình cai nghiện ma túy mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và dựa trên các căn cứ:

Một là thực hiện chủ trương áp dụng chính sách hình sự nghiêm khắc hơn để giảm cầu ma túy, chặn đứng mối quan hệ cung, cầu ma túy.

Hai là thực tiễn công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy thấy rằng, hiện nay, tình hình nghiện ma túy diễn ra rất phức tạp, số người nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng; ma túy là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản... Người sử dụng trái phép chất ma túy rơi vào tình trạng “ngáo đá”, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm… có chiều hướng gia tăng.

Theo thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy phạm tội, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/5/2025, tỉ lệ tội phạm do người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện chiếm tỉ lệ khoảng 10% trên tổng số tội phạm được phát hiện; trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chiếm tỉ lệ 5,3%. Đặc biệt, tội phạm giết người do người nghiện chất ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra trong thời gian này là trên 200 vụ (trong đó có trên 40 vụ giết người thân trong gia đình).

Ba là, pháp luật hiện hành đang quy định xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội danh này chủ yếu là đối với người tàng trữ để sử dụng. Như vậy, một người sau khi mua chất ma túy để sử dụng, nếu chưa kịp sử dụng mà bị phát hiện thì bị xử lý về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, còn nếu đang hoặc đã sử dụng thì lại không bị xử lý về hành vi tương ứng.

Bốn là, nghiện ma túy nếu không được quản lý tốt để kéo giảm số lượng người nghiện thì sẽ “lây lan” đối với những người khác. Thực tiễn cho thấy, hiện nay, số người sử dụng trái phép, nghiện ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, một bộ phận giới trẻ dễ bị rủ rê, lôi kéo vào con đường sử dụng trái phép chất ma túy, tìm tới ma túy để giải tỏa áp lực trong cuộc sống; nhiều người coi sử dụng ma túy như một cách để thể hiện bản thân… Nếu không có biện pháp “giảm cầu” hữu hiệu thì nguy cơ về việc ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động và giống nòi là vấn đề nhức nhối đang được đặt ra.

Chỉnh lý quy định về mức hình phạt khởi điểm đối với 3 tội: Sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy và mua bán trái phép chất ma túy từ 2 năm tù thành 3 năm tù để bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và tương quan với mức hình phạt khởi điểm đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy là 3 năm tù.

V.T/Báo Tin tức và Dân tộc

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

10/06/2025

Quy định mới về tổ chức Bộ phận Một cửa tại cấp bộ, cấp tỉnh và cấp xã

Ngày 9/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2025/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nghị định quy định cụ thể việc tổ chức Bộ phận Một cửa tại cấp bộ, cấp tỉnh và cấp xã.

Tại cấp bộ, căn cứ số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ hoặc tại cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ. Trường hợp thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị này thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ.

Đối với cơ quan của trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương, người đứng đầu cơ quan bố trí cán bộ, công chức, viên chức ra làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đối với những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

Căn cứ các nguyên tắc và các quy định khác tại Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông phù hợp với điều kiện công tác của từng bộ.

Căn cứ Nghị định này, các quy định khác của pháp luật, điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập và điều kiện, hoàn cảnh của từng nước, từng địa bàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của Việt Nam tại tổ chức quốc tế ở nước ngoài.

Tại cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh là tổ chức hành chính thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có con dấu và tài khoản riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tại các thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở xem xét đặc thù về quản lý dân cư, tổ chức đời sống dân cư đô thị, đánh giá mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh là tổ chức hành chính trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (sau đây gọi là Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp) và quyết định số lượng chi nhánh trực thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp để thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi địa phương.

Trường hợp không lựa chọn mô hình này, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh theo quy định tại điểm a của Nghị định.

Tại cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã là tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, có con dấu và tài khoản riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc bố trí các điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã tại địa phương trên cơ sở diện tích tự nhiên, quy mô dân số, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và số lượng hồ sơ thủ tục hành chính. Không tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã tại các địa phương lựa chọn mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ để thực hiện công việc hỗ trợ đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật về đấu thầu.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ phận Một cửa

Theo Nghị định 118/2025/NĐ-CP, Bộ phận Một cửa có nhiệm vụ công khai kịp thời, đầy đủ bằng phương tiện điện tử hoặc văn bản danh mục, nội dung thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và được thực hiện tại Bộ phận Một cửa theo quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính và quy định pháp luật có liên quan; đồng thời hỗ trợ tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin công khai trên phương tiện điện tử.

Hướng dẫn, tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ theo quy định; số hóa, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thủ tục hành chính; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thu phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính (nếu có) theo quy định; từ chối tiếp nhận đối với hồ sơ chưa đúng quy định.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, trả kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân đối với trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu giải quyết ngay trong ngày hoặc các thủ tục hành chính được giao hoặc ủy quyền cho cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa giải quyết; hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính...

Phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa

Nghị định nêu rõ, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp bộ tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan, đơn vị mình.

Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, bao gồm:

Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương.

Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành giao cho địa phương tiếp nhận.

Cách thức tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính

Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua các cách thức theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính: Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa; Thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND thành phố Ninh Bình. Ảnh minh họa: Hải Yến/TTXVN

09/06/2025

Sáng 9-6, đoàn công tác do đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác vận hành thử nghiệm phường Tân Đông Hiệp mới...

05/06/2025

Nhận thức đúng về giá trị dân chủ trong điều kiện đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam

Thời gian qua, không chỉ các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc về chế độ dân chủ ở nước ta khi cho rằng “không có dân chủ trong chế độ đảng cộng sản duy nhất cầm quyền”, một số người trong nước cũng ngộ nhận, mơ hồ về luận điệu sai trái này. Vì vậy, việc làm sáng tỏ bản chất dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng cầm quyền là việc làm cần thiết nhằm phòng ngừa biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong nội bộ.

Tư tưởng dân chủ là giá trị chung của nhân loại

Khi xã hội loài người hình thành, con người với tư cách là thực thể xã hội, con người biết làm chủ xã hội với những cấp độ: Làm chủ bản thân, làm chủ gia đình, làm chủ cộng đồng và làm chủ xã hội. Dân chủ gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử, qua các chế độ xã hội và thời gian khác nhau. Dân chủ dùng để chỉ quyền làm chủ của nhân dân và xuất hiện khi có nhà nước và luôn gắn liền với một nhà nước nhất định, được hiến pháp, luật pháp của nhà nước đó quy định. Như vậy, trong xã hội có giai cấp, dân chủ mang bản chất giai cấp sâu sắc và trong khuôn khổ của pháp luật xã hội đó, không có dân chủ phi giai cấp, mọi luận điệu phủ nhận vấn đề này đều chỉ là sự lừa gạt, dối trá trước quần chúng. Giai cấp nào nắm được tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì mới có đầy đủ điều kiện thực hiện được quyền làm chủ xã hội thực sự.

Dân chủ không phải là khái niệm bất biến mà là một phạm trù chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội và luôn gắn với sự tồn tại của các kiểu nhà nước trong những điều kiện cụ thể nhất định. Trong mỗi hình thái kinh tế-xã hội, mỗi thời đại, mỗi quốc gia, dân tộc, dân chủ luôn có những nét đặc trưng.

Trong chế độ chiếm hữu nô lệ, xét về bản chất chính là dân chủ của giai cấp chủ nô. Chế độ phong kiến, các tư tưởng và mô hình dân chủ bị hạn chế, cấm đoán bởi chế độ tập quyền chuyên chế khi quyền lực tuyệt đối nằm trong tay một đấng quân vương. Sự ra đời của nhà nước tư sản, nền dân chủ tư sản được xác lập do cuộc cách mạng tư sản dựa trên cơ sở liên minh giữa giai cấp tư sản với các giai cấp khác lật đổ chế độ phong kiến. Những tuyên bố về tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng về nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là những nội dung đầu tiên của dân chủ tư sản. Nhà nước tư sản đã đánh dấu một nấc thang phát triển về dân chủ so với dân chủ của chế độ chuyên chế phong kiến. Tuy nhiên, với bản chất của xã hội tư sản, nền dân chủ đại diện chỉ nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ sự thống trị, bảo vệ quyền sở hữu, lợi ích của giai cấp tư sản và một bộ phận tinh hoa của xã hội.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, với tính cách là một nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản, dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa khác hẳn về chất so với các nền dân chủ trước đó. Mục tiêu xuyên suốt và cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, tạo ra ngày càng nhiều hơn các điều kiện thuận lợi để thực hiện xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, công lý cho mọi người, bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng giữa các dân tộc. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở việc bảo vệ quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân lao động; thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do được bảo đảm về mặt pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, có nội dung toàn diện, được thể hiện trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó nổi bật là sự tham gia một cách bình đẳng và rộng rãi của những người lao động vào công việc quản lý xã hội, quản lý nhà nước thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Bản chất dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng

Lịch sử đã chứng minh, trình độ dân chủ không tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng đảng chính trị. Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển hay không. Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Dân chủ hay không dân chủ còn phụ thuộc vào việc đảng cầm quyền bảo vệ quyền và lợi ích của một nhóm người hay của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Hơn nữa, đa nguyên chính trị, đa đảng không phải là một giá trị phổ quát của nhân loại và là điều kiện tiên quyết cho một nền dân chủ.

Trên phương diện lý luận khoa học và thực tiễn cho thấy, trong chế độ đảng cộng sản duy nhất cầm quyền ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vấn đề dân chủ không phụ thuộc vào đa nguyên chính trị, mà quan trọng nhất là xuất phát từ sứ mệnh, mục tiêu, lý tưởng của chính đảng cầm quyền có thật sự thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và phát huy quyền dân chủ của các tầng lớp nhân dân hay không.

Nhân dân Việt Nam được quyền làm chủ và thụ hưởng mọi thành quả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

Trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, hàng chục cuộc khởi nghĩa, phong trào chống thực dân Pháp đã nổ ra theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng cuối cùng đều thất bại. Nhiều đảng phái thuộc mọi khuynh hướng chính trị đã ra đời nhưng đều không hoàn thành được sứ mệnh giành độc lập cho dân tộc, thậm chí nhiều đảng phái ngày càng thoái hóa biến chất, đi ngược lại lợi ích dân tộc, làm tay sai cho ngoại bang, đế quốc.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh và khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam-lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam-là hoàn toàn do nhân dân, dân tộc ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại độc lập, tự do cho dân tộc; quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội. Thông qua cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã góp phần bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, để nhân dân xứng đáng là người làm chủ và người làm chủ thật sự của xã hội.

Những thành tựu kinh tế-xã hội trong 4 thập niên đổi mới của nước ta càng cho thấy rõ điều đó. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng mở rộng, năm 2024 đạt 476 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng thứ 33 thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt mức 4.700USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Theo Báo cáo hạnh phúc thế giới 2025, Việt Nam xếp thứ 46 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; xét ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 sau Singapore. Việt Nam nằm trong số các nước có xếp hạng chỉ số hạnh phúc liên tục tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây. Từ năm học 2025-2026, Đảng, Nhà nước ta ban hành chính sách miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trên cả nước, hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông ở các trường dân lập và tư thục. Thực hiện chủ trương của Đảng, giai đoạn 2026-2030 sẽ từng bước thực hiện lộ trình miễn viện phí cho toàn dân; phấn đấu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần.

Được biết, sau hơn 3 tuần triển khai lấy ý kiến nhân dân về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, đến ngày 28-5-2025, đã có gần 51,2 triệu ý kiến (trong đó có gần 2,6 triệu ý kiến của tổ chức và hơn 48,6 triệu ý kiến của cá nhân). Tổng số đó có hơn 49,9 triệu ý kiến tán thành (chiếm 98%) đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013. Điều đó cho thấy, các tầng lớp nhân dân ngày càng tham gia tích cực vào đời sống chính trị của đất nước, đồng thời thể hiện quyền dân chủ của người dân đã được phát huy trong thực tiễn.

Những minh chứng đó thêm một lần khẳng định bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là cơ sở minh chứng những thành quả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã, đang thuộc về đại đa số nhân dân trong một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trung tá VŨ XUÂN LUYỆN, Học viện Quốc phòng

Ảnh minh họa

04/06/2025

Cậu bé 10 tuổi đội mưa đến đồn công an nộp chiếc điện thoại nhặt được

Đó là câu chuyện vô cùng ý nghĩa của em Ngô Quốc Tuấn (SN: 2015), hiện đang học lớp 4A Trường Tiểu học Bình Tân 1. Trên đường đi học về, cậu đã nhặt được 01 chiếc điện thoại. Ngay lập tức, cậu bé nhỏ nhắn, áo ướt sũng ấy nhanh chóng đem giao nộp cho Công an phường Bình Tân. Sau đó, Công an phường đã xác minh và liên hệ trả lại cho người mất.

Hành động đẹp của em Tuấn rất đáng được tuyên dương với tinh thần "Nhặt được của rơi, kịp thời trả lại cho người mất".

Mộy đứa trẻ được nuôi dạy bằng tình yêu thương và những điều tốt đẹp sẽ biết trung thực, sẻ chia và lớn lên thành người tử tế.

Người Bình Tân

02/06/2025

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc chính sách phòng thủ biển, đảo trước thềm Đại hội XIV

Trước thềm Đại hội lần thứ XIV của Đảng, các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách quốc phòng, an ninh (QPAN), nhất là công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo và chính sách phòng thủ biển, đảo.

Vì sao các thế lực thù địch nhắm vào chính sách phòng thủ biển, đảo?

Biển, đảo gắn với chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng, là “huyết mạch” kinh tế-QPAN của đất nước. Các vấn đề liên quan đến biển, đảo luôn thu hút sự quan tâm sâu sắc của nhân dân, gắn liền với lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tâm lý bảo vệ chủ quyền. Vì thế, chỉ cần tung ra vài tin giả, xuyên tạc, hoặc bình luận sai lệch, các thế lực thù địch dễ dàng đánh vào cảm xúc của quần chúng, khơi gợi tâm lý hoài nghi, phẫn nộ, thậm chí kích động hành động cực đoan.

Chính sách QPAN là lĩnh vực khó tiếp cận, dễ xuyên tạc. Đây là lĩnh vực liên quan đến chiến lược, kỹ thuật, quan hệ quốc tế phức tạp, không phải ai cũng có đầy đủ thông tin để hiểu sâu. Một số người dân dễ bị dẫn dắt bởi các “chuyên gia mạng”, kênh YouTube trá hình, đưa ra phân tích sai lệch nhưng lại tỏ ra có “chuyên môn”, tạo ra hiệu ứng tin giả lan truyền.

Luận điệu xuyên tạc, âm mưu thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt

Các thế lực phản động sử dụng thông tin sai lệch, tài liệu giả mạo, hoặc trích dẫn một cách có chọn lọc các sự kiện lịch sử để phủ nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vu cáo Việt Nam “gây căng thẳng khu vực”: Mỗi khi Việt Nam tổ chức diễn tập phòng thủ, tăng cường lực lượng hoặc thực hiện các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên biển, các đối tượng phản động thường vu khống ta là “khiêu khích”, “hiếu chiến”, trong khi thực tế đó là quyền chính đáng của một quốc gia có chủ quyền.

Để tấn công vào lòng dân, vào niềm tin chính trị, các thế lực phản động thường tập trung bóp méo bản chất chính sách quốc phòng tự vệ. Việt Nam theo đuổi đường lối quốc phòng hòa bình, tự vệ, không tham gia liên minh quân sự, không chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng Việt Nam “không đủ sức bảo vệ chủ quyền”, từ đó kích động tâm lý bất mãn, yêu cầu thay đổi chính sách, thậm chí cổ xúy tư tưởng bài ngoại, đối đầu cực đoan. Một số cá nhân tự xưng “yêu nước” nhưng thực chất lợi dụng lòng yêu nước để kích động chống đối, cổ xúy việc giải quyết tranh chấp bằng đối đầu quân sự, đi ngược đường lối đối ngoại hòa bình của Việt Nam.

Việt Nam duy trì hợp tác quốc phòng với nhiều nước trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi. Tuy nhiên, những thông tin xuyên tạc thường bóp méo các chuyến thăm, hợp tác quốc phòng thành “liên minh quân sự ngầm”, vu cáo Việt Nam “phụ thuộc nước ngoài”, “đánh đổi chủ quyền lấy viện trợ”. Một số trang mạng giả danh “chuyên gia quân sự” đưa ra các “kịch bản chiến tranh”, gieo rắc tâm lý lo ngại, mất phương hướng về chính sách quốc phòng. Lợi dụng các sự kiện quốc tế để vu cáo Việt Nam “đi đêm” hoặc “im lặng” trước các hành vi xâm phạm chủ quyền của nước khác, gieo rắc mâu thuẫn nội bộ và làm suy yếu lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Chính sách phòng thủ biển, đảo của Việt Nam là đúng đắn, chính nghĩa và minh bạch

Việt Nam luôn nhất quán thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, thế trận biển, đảo vững chắc trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việt Nam luôn nhất quán quan điểm: Hòa bình, tự vệ, không liên minh quân sự. Từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên định đường lối quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu nhưng không tách rời khỏi nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính sách QPAN "4 không" này không chỉ thể hiện lập trường độc lập, tự chủ của Việt Nam mà còn phản ánh tư duy chiến lược tỉnh táo, phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm vừa giữ vững chủ quyền, vừa đóng góp vào hòa bình, ổn định chung.

Việt Nam khẳng định chủ quyền biển, đảo dựa trên đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý vững chắc và phù hợp với UNCLOS 1982. Tất cả hoạt động bảo vệ chủ quyền, tài nguyên và duy trì trật tự, an ninh trên biển của Việt Nam đều tuân thủ nghiêm các quy định quốc tế, không gây hấn, không xâm phạm chủ quyền các nước khác. Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế biển, khai thác tài nguyên, cũng như huấn luyện, diễn tập quân sự trong phạm vi chủ quyền đều nằm trong khuôn khổ hợp pháp và minh bạch, được thông tin công khai. Điều này cho thấy Việt Nam không hề “mập mờ” hay “thiếu minh bạch” như các thế lực phản động xuyên tạc. Thực tế, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, đàm phán song phương và đa phương, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam hiểu rõ rằng, hòa bình chỉ bền vững khi có sức mạnh bảo vệ, do đó, việc củng cố tiềm lực quốc phòng là tất yếu, nhưng không phải để gây chiến, mà để phòng ngừa xâm lược và bảo vệ lợi ích quốc gia. LLVT nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... làm nhiệm vụ trên biển luôn duy trì tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, làm chủ tình hình, xử lý linh hoạt, đúng mực trong mọi tình huống. Việc xây dựng các lực lượng này không nhằm chạy đua vũ trang mà để mỗi tấc đất, tấc biển của Tổ quốc đều được gìn giữ bởi chính con em nhân dân. Chủ trương kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, quốc phòng với đối ngoại cũng là điểm sáng trong chính sách của Việt Nam. Đây là chiến lược bền vững, giúp đất nước phát triển mạnh mẽ từ bên trong, đồng thời nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Chính sách phòng thủ biển, đảo của Việt Nam không chỉ mang tính chất nội bộ mà còn đóng vai trò tích cực trong khu vực và thế giới. Việt Nam là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, hòa bình, thịnh vượng. Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhưng luôn theo hướng kiềm chế, thiện chí và cầu thị, vì hòa bình và thượng tôn pháp luật, được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế ghi nhận. Việt Nam cũng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, gửi lực lượng đến nhiều điểm nóng như Nam Sudan, Trung Phi... cho thấy hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm.

Chính sách phòng thủ biển, đảo của Việt Nam là kết tinh của trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao đối với dân tộc và cộng đồng quốc tế. Đó là chính sách đúng đắn, chính nghĩa và minh bạch, thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình nhưng không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, độc lập dân tộc. Việc các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo chính sách này không làm thay đổi được bản chất đúng đắn, mà ngược lại càng cho thấy sự bất lực của chúng trước một Việt Nam ngày càng ổn định, vững mạnh và có uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới.

Cảnh giác và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái

Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức chính trị và khả năng “đề kháng tư tưởng” của cán bộ, đảng viên và toàn dân. Theo đó, tăng cường tuyên truyền sâu rộng, dễ hiểu và thường xuyên về các chủ trương, chính sách quốc phòng, đặc biệt là chiến lược quốc phòng “4 không” của Việt Nam. Giúp người dân hiểu rõ bản chất hòa bình, chính nghĩa, tự vệ của quốc phòng Việt Nam, từ đó tự tin, vững vàng trước các thông tin bịa đặt. Trang bị kiến thức pháp lý quốc tế về chủ quyền biển, đảo để làm cơ sở phản bác các quan điểm sai lệch về quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế.

Chủ động phản bác, ngăn chặn thông tin sai trái ngay từ khi mới xuất hiện trên không gian mạng. Thiết lập và vận hành hiệu quả các lực lượng đấu tranh trên không gian mạng. Sử dụng tiếng nói của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cựu chiến binh, người từng công tác trong LLVT để phản bác bằng lý lẽ khoa học, dẫn chứng thực tế, góp phần tạo niềm tin vững chắc trong dư luận. Khuyến khích người dân tham gia “làm sạch” không gian mạng, thông qua việc báo cáo tin giả, không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng và chủ động chia sẻ những nội dung tích cực, truyền cảm hứng về tình yêu biển, đảo và trách nhiệm công dân.

Tăng cường giáo dục lý luận chính trị-pháp luật trong toàn xã hội; đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo, nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá vào chương trình học phổ thông, đại học và các lớp bồi dưỡng chính trị, giúp hình thành tư duy độc lập, phản biện lành mạnh. Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề trong hệ thống chính trị, đoàn thể, nhất là trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, qua đó nâng cao ý thức giữ vững trận địa tư tưởng. Tăng cường các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, giao lưu giữa LLVT và nhân dân để trực tiếp giải đáp các vấn đề nóng, nhạy cảm về biển, đảo, quốc phòng, xây dựng lòng tin vững chắc và sự gắn bó máu thịt quân dân.

Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông và người có ảnh hưởng lớn. Các cơ quan báo chí chủ động, nhanh nhạy, chính xác, kịp thời phản ánh sự thật, định hướng dư luận một cách có trách nhiệm và nhân văn. Tăng cường sản xuất các sản phẩm truyền thông sáng tạo, gần gũi giới trẻ như video ngắn, infographic, podcast... để truyền tải thông điệp yêu nước, niềm tin chính trị, trách nhiệm công dân với biển, đảo Tổ quốc. Khuyến khích các nhà báo, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tích cực lan tỏa thông tin chính thống, phản bác thông tin sai trái một cách có lý, có tình, góp phần tạo ra “vùng thông tin xanh” trên môi trường mạng.

Cùng với tuyên truyền, đấu tranh, cần thực thi pháp luật một cách mạnh mẽ, nghiêm minh để phòng ngừa hiệu quả. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tán phát thông tin sai lệch, kích động chia rẽ, bôi nhọ LLVT, xuyên tạc chính sách quốc phòng, đặc biệt trong thời gian cao điểm chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp. Tăng cường năng lực giám sát, phát hiện và xử lý tin giả của các cơ quan chức năng, kết hợp giữa công nghệ và nhân lực để tạo “lá chắn kỹ thuật số” hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống pháp lý về an ninh mạng, thông tin, truyền thông, đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội trong quản lý và đấu tranh trên không gian mạng. Tăng cường công khai, minh bạch các chính sách quốc phòng, đối ngoại, giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo, giúp người dân không bị mơ hồ mà tỉnh táo nhận thức đúng trước sự nhiễu loạn thông tin...

VƯƠNG ĐỨC THƯƠNG - LÊ VĂN THÀNH

Address

Cách Mạng Tháng 8
Thu Dau Mot
820000

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Lá Trung Quân posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Share