QUỐC TẾ ĐỎ

QUỐC TẾ ĐỎ Nơi hội tụ lòng yêu nước. Những con người với tinh thần xả thân vì nước, s

Phê phán luận điệu xuyên tạc các nghị quyết “bộ tứ trụ cột”🌿🌿🌿Các Nghị quyết của Bộ Chính trị mới ban hành gồm: Nghị quy...
17/07/2025

Phê phán luận điệu xuyên tạc các nghị quyết “bộ tứ trụ cột”

🌿🌿🌿

Các Nghị quyết của Bộ Chính trị mới ban hành gồm: Nghị quyết 57; Nghị quyết 59; Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 được xem là “bộ tứ trụ cột” đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai trong thực tiễn. Dư luận đánh giá rất cao việc Đảng ban hành các nghị quyết này và kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước. Dù vậy, vẫn có những tiếng nói thiếu hiểu biết, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, phủ nhận những kết quả mà đất nước đã và đang đạt được.

Những luận điệu lạc lõng

Khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được triển khai, trên một số trang web chuyên chống đối Việt Nam đã đăng tải các bài viết cố tình bịa đặt, xuyên tạc nội dung của Nghị quyết 57. Có một bài viết “nhận định”: “Tự do mới là “Quốc sách” chứ không phải khoa học và công nghệ là quốc sách như Đảng ta xác định, rồi cho rằng Nghị quyết 57 chỉ là “mồi nhử” để “chiêu hiền đãi sĩ”! Một số đối tượng khác đã hùa theo luận điệu đó.

Cũng sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”, trên một số trang mạng thiếu thiện chí với Việt Nam lại xuất hiện các bài viết có chung một luận điệu phiến diện: “Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân” đối tác chiến lược toàn diện... để chống nước khác”; “Việt Nam đang ngả về phương Tây”; “Việt Nam đã từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình trong quan hệ quốc tế”...

Gần đây, lợi dụng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân, trên nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Telegram hay blog cá nhân của các đối tượng chống đối xuất hiện hàng loạt tin, bài viết, hình ảnh, video clip với các khẩu hiệu xuyên tạc như: “Pháp luật Việt Nam, một bước lùi đối với tiến bộ xã hội”, “tạo rào cản kinh doanh”... Trên nhiều diễn đàn mạng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối đã rêu rao rằng, Đảng ta đưa ra quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân lần này là "bất nhất", coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế có nghĩa “thừa nhận sự bóc lột, thừa nhận mối quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa”. Họ cho rằng như vậy là "gây mâu thuẫn với quan điểm của Đảng trong các thời kỳ trước". Từ đó họ gieo rắc hoài nghi, bức xúc, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhận thức đúng về các nghị quyết được xem là “bộ tứ trụ cột”
Trước hết, cần khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia đã có bước tiến vượt bậc về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Gần 40 năm đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khoa học và công nghệ tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia. Chỉ tính riêng trong năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có Chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Tổng chi ngân sách hằng năm của quốc gia cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tăng dần theo yêu cầu phát triển. Những thành tựu đó đã minh chứng, luận điệu của các thế lực thù địch là giả dối, bịa đặt, lộ rõ bản chất phản động.
Việc Nghị quyết 57 ra đời trên nền tảng khoa học, công nghệ đất nước đang trên đà phát triển là bệ đỡ, bệ phóng và là hành lang pháp lý rất cần thiết để phát huy cao nhất, mạnh nhất sự phát triển trong lĩnh vực này. Và chỉ khi khoa học, công nghệ phát triển thì đất nước mới thực sự phát triển, khẳng định sự vượt trội của mình.
Hai là, hiệu quả hội nhập quốc tế hiện diện trên mọi mặt đời sống xã hội
Sự ra đời của Nghị quyết 59 với quan điểm xuyên suốt là: Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể sáng tạo. Thực tiễn gần 35 năm thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Đảng ta đã xác định nhiều mối quan hệ đan xen nhau rất phức tạp đòi hỏi phải xử lý đúng đắn, hiệu quả, trong đó có mối quan hệ “giữa độc lập tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu đã góp phần cải thiện đáng kể tiềm lực trong nước, nâng cao vị thế địa chiến lược của Việt Nam trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Theo Cục Thống kê, năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục của bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Những vướng mắc, phát sinh trong quan hệ thương mại quốc tế luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành chủ động, linh hoạt, thực tâm, thực chất đề ra các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại phát triển. Cũng chính hội nhập quốc tế sâu rộng giúp Việt Nam phá vỡ thế bao vây, cấm vận, trở thành đối tác, bạn bè với các quốc gia trên thế giới. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện nhất quán và từng bước cụ thể hóa nội dung của chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế cho từng giai đoạn, phù hợp với bối cảnh tình hình thế giới và khu vực. Đây chính là những tư tưởng chỉ đạo cốt lõi mà Nghị quyết 59 đã xác định nhưng các thế lực chống phá cố tình lờ đi, xuyên tạc tư tưởng này.
Ba là, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm, cố gắng, nỗ lực, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Điển hình như: Chỉ trong giai đoạn từ năm 2019 đến cuối năm 2022, Quốc hội đã thông qua 49 Luật, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Cư trú năm 2020... Riêng năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 Luật trong đó có những dự án luật quan trọng với nhiều nội dung khó, phức tạp như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Để đáp ứng yêu cầu cuộc tinh gọn bộ máy, Quốc hội đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi luật đáp ứng yêu cầu phát triển. Các quyền con người, quyền công dân theo hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế. Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các cơ chế toàn cầu và khu vực về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập các công ước quốc tế chủ chốt ở mọi lĩnh vực.
Kinh nghiệm thực tiễn ở cả Việt Nam và các nước cho thấy, hoàn thiện thể chế, pháp luật chính là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; trở thành lợi thế cạnh tranh, là nền tảng vững chắc cho phát triển. Những kết quả trên là minh chứng sinh động để phủ nhận, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch khi họ bịa đặt “Pháp luật Việt Nam, một bước lùi đối với tiến bộ xã hội”.
Bốn là, kinh tế tư nhân-“đòn bẩy” đưa Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động và có triển vọng nhất của khu vực, thế giới.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ấn tượng, trung bình 6,37%/năm. So với các nước ASEAN, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á... Kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.
Chính trên cơ sở sự thay đổi, phát triển nhận thức đúng đắn, kịp thời về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân với những cơ chế, chính sách kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo những điều kiện, tiền đề để kinh tế tư nhân phát triển, không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những nhân tố quan trọng cho sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Cũng chỉ sau thời gian ngắn Nghị quyết 68 được ban hành, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lớn, nhỏ đã mạnh dạn đề xuất, đầu tư phát triển vào nhiều lĩnh vực mà điển hình nhất là lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, đường cao tốc, sân bay, bến cảng bằng chính nguồn vốn của họ và tự huy động mà không dùng ngân sách nhà nước trên nền tảng pháp lý vận hành mà Nghị quyết 68 xác định.
Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, 4 Nghị quyết-“bộ tứ trụ cột” là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta vào thời điểm hiện tại, cũng là minh chứng phản bác những quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc về tinh thần của “bộ tứ trụ cột”, làm chệch định hướng XHCN, chệch quỹ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch này, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN Việt Nam nói chung và với đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước nói riêng.

Theo QĐND

Lật tẩy âm mưu, hoạt động rải truyền đơn, kích động biểu tình 1🌿🌿🌿Nhắc đến tổ chức phản động lưu vong Chính phủ quốc gia...
17/07/2025

Lật tẩy âm mưu, hoạt động rải truyền đơn, kích động biểu tình 1

🌿🌿🌿

Nhắc đến tổ chức phản động lưu vong Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Báo CAND đã có nhiều bài phản ánh. Từ năm 2020 đến nay, tổ chức này đã sử dụng các thủ đoạn lừa bịp, mị dân như phong chức tước, cấp nhà miễn phí, hỗ trợ việc làm với mức lương cao để lôi kéo người tham gia tổ chức, thực hiện các hoạt động chống phá. Song thực tế đã chứng minh, cho đến thời điểm này, vẫn chưa một ai được hưởng những lợi ích như lời hứa hẹn của Đào Minh Quân và các thành viên của tổ chức này.

Bản chất của Đào Minh Quân cùng phương thức và thủ đoạn hoạt động của đối tượng đã bị vạch trần. Vậy nhưng vì nhẹ dạ, cả tin, vì động cơ cá nhân, một số đối tượng ở trong nước vẫn âm thầm thực hiện hoạt động chống phá theo chỉ đạo của các đối tượng ở bên ngoài.
Ngăn chặn kịp thời hành vi rải truyền đơn, kích động biểu tình
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, người dân cả nước tự hào, xúc động khi chứng kiến Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để có niềm vui ấy, có một lực lượng âm thầm làm nhiệm vụ, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn cả nước, đó là lực lượng An ninh nội địa. Một trong những chiến công nổi bật, xuyên suốt năm qua là dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh nội địa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an địa phương đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá, kích động biểu tình của tổ chức phản động lưu vong Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.
Theo đó, để chống phá dịp lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời đã lên kế hoạch từ 1 năm trước đó. Cụ thể, vào dịp tháng 3/2024, chúng tiến hành kiện toàn cơ cấu tổ chức ở bên ngoài với hàng loạt hoạt động như: Đào Minh Quân tự xưng là "hoàng đế"; tuyên bố thành lập các "Bộ tư lệnh chiến thuật vùng"… Với hoạt động này, các đối tượng muốn khuếch trương thanh thế ở trong nước nhằm lừa phỉnh để mọi người tin rằng Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời là tổ chức có thực lực, có cơ cấu tổ chức để lôi kéo người tham gia.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cái mà các đối tượng gọi là "Bộ tư lệnh chiến thuật vùng Sài Gòn - Gia Định" ở trong nước chỉ có vài người tham gia. Sau đó, số cầm đầu đã chỉ đạo một số đối tượng trong nước thực hiện hành vi chống phá tập dượt các hoạt động như kích động biểu tình, chuẩn bị rải truyền đơn.
Cái gọi là "Bộ tư lệnh chiến thuật vùng" ở trong nước chỉ là những tên gọi mị dân, làm cho số con, cháu trước đây từng tham gia Quân đội Việt Nam cộng hoà hoài niệm về quá khứ; nhằm dễ bề "ru ngủ" lừa phỉnh, lôi kéo vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Trên các trang mạng của Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, các đối tượng luôn rêu rao thành lập được Bộ tư lệnh chiến thuật vùng trong cả nước như "Bộ Tư lệnh chiến thuật vùng Sài Gòn - Gia Định" nhưng thực chất chỉ có vài đối tượng trong nước tham gia, còn lại đa phần là "vô công rồi nghề". Các đối tượng bên ngoài thay nhau tiêm nhiễm, nhồi sọ về một viễn cảnh "Việt Nam cộng hòa" sẽ trở lại và các đối tượng tham gia sẽ được "ăn bánh vẽ" hưởng lợi như cho tiền, trả lương, phong chức tước.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan An ninh đã phát hiện, đập tan âm mưu này "từ trong trứng nước"; bắt xử lý Hà Duy Khích, SN 1980, trú tại phường Tràng Dải, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai (cũ) và Lê Hoàng Trung, SN 1977, ở tại phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (cũ), là những đối tượng đã từng tham gia vào tổ chức phản động trên.
Cụ thể, trước đó, vào năm 2017, Trung từng tham gia tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời. Với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, Trung sau khi được phân tích đã cam kết từ bỏ hoạt động. Vậy nhưng, đối tượng không lấy đó làm bài học mà vì vụ lợi một lần nữa tiếp tục tham gia. Trung tự ứng cử chức vụ "Trưởng phòng 3", Phòng "Hành quân" của Bộ Tư lệnh Chiến thuật vùng Sài Gòn - Gia Định. Sau đó, sử dụng Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ hàng trăm bài viết liên quan đến Đào Minh Quân và tổ chức phản động lưu vong Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời. Vào tháng 4/2024, Trung còn tán phát các "thư mời" dự cái gọi là "Lễ đăng quang hoàng đế Đào Minh Quân"…
Trường hợp của Khích cũng vậy, trước đó đối tượng từng cam kết từ bỏ không gia vào tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam Lâm thời (năm 2020). Nhưng sau đó, do tin vào những lời hứa hẹn của các thành viên trong tổ chức, năm 2024, đối tượng tiếp tục tham gia. Từ việc bắt giữ và xử lý hai đối tượng trên, cơ quan An ninh đã mở rộng công tác nghiệp vụ, lần lượt làm rõ, ngăn chặn hoạt động của các tổ chức.
Gần đây nhất (tháng 3/2025), với sự phối hợp chặt chẽ của Cục An ninh nội địa, Cơ quan An ninh điều tra TP Huế đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Xuân Bình (SN 1976, trú tại phường An Cựu, quận Thuận Hóa, TP Huế) về hành vi "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Khám xét nơi ở của Nguyễn Xuân Bình, Cơ quan Công an thu giữ nhiều thiết bị điện tử để hoạt động cùng tang chứng, vật chứng liên quan hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng.
Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, Bình thông qua Internet, các ứng dụng công nghệ để tìm hiểu và liên lạc với một số đối tượng là thành viên của tổ chức khủng bố Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời để được hướng dẫn, viết đơn tham gia và được chấp nhận; được cấp bí danh, bí số để liên lạc, hoạt động. Nguyễn Xuân Bình thường xuyên tham gia các buổi huấn luyện trực tuyến do Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời tổ chức, tham gia thực hiện cách thức rải truyền đơn, cách đối phó nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Đồng thời, tiến hành thu thập thông tin trái phép của gần 50 người dân để tiến hành "Trưng cầu dân ý bầu Đào Minh Quân làm Tổng thống Nhà nước đệ tam Việt Nam cộng hòa".
Không dừng lại ở đó, thực hiện sự hướng dẫn và chỉ đạo của tổ chức, Nguyễn Xuân Bình đã thu thập thông tin để cung cấp cho tổ chức phục vụ "trưng cầu dân ý" lập nên cái gọi là nhà nước "Đệ tam Việt Nam cộng hòa" do Đào Minh Quân cầm đầu.
Ngoài ra, để khuếch trương thanh thế, thực hiện chỉ đạo của tổ chức, Bình đã chuẩn bị truyền đơn, với ý đồ sẽ rải vào các dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Huế (26/3) và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4). Hiện Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Huế đang điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Được biết, đây chỉ là một trong những đối tượng trong tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời bị phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua.

Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan An ninh
Chuyên án bắt đầu khoảng gần 1 năm về trước, mở màn với việc Cục An ninh nội địa phối hợp với Công an tỉnh Nam Định và Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ Phạm Hoàng (SN 1958, hộ khẩu thường trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũ), thành viên tổ chức phản động, khủng bố Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời. Vào thời điểm bị bắt giữ, Hoàng đã có hành vi chuẩn bị rải truyền đơn tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp Quốc khánh 2/9/2024.
Trước đó, từ năm 2019, qua mạng xã hội Facebook, Phạm Hoàng đã biết đến tổ chức phản động Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời do Đào Minh Quân cầm đầu. Đối tượng sau đó đã viết đơn xin tham gia tổ chức; được cấp bí số và tiến hành các hoạt động chống phá. Đối tượng Hoàng sau đó đã sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cổ suý chủ trương đường lối của tổ chức và bác bỏ chế độ cộng sản…
Sau đó cơ quan chức năng cùng các đoàn thể đã tiến hành gặp gỡ, làm việc, răn đe, giáo dục và thuyết phục Hoàng từ bỏ tham gia hoạt động cho tổ chức phản động. Thế nhưng, Hoàng còn ngang nhiên thách thức, cho rằng hành vi của mình là đúng nên đối tượng này ngày càng gia tăng các hoạt động chống phá. Năm 2024, Hoàng đã nhận tiền của các đối tượng phản động lưu vong để in truyền đơn, ý định mang đến các địa điểm đông người tại TP Hồ Chí Minh để rải vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2024…
Song hành vi của Hoàng đã bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Sau khi bắt giữ Hoàng, Cục An ninh nội địa đã phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương liên quan nhanh chóng triển khai lực lượng truy tìm; đấu tranh, bắt giữ các đối tượng được số cầm đầu Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời giao nhiệm vụ in, rải truyền đơn, kích động biểu tình trong dịp lễ quốc khánh …
Từ lời khai của Phạm Hoàng, Cục An ninh nội địa đã phối hợp với Công an các địa phương triển khai, xác minh, truy tìm; triệu tập đấu tranh với 2 đối tượng trong vụ án gồm Trần Văn Linh và Nguyễn Thị Hường tại TP Hồ Chí Minh. Trần Văn Linh tham gia Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời từ tháng 4/2022. Đến khoảng đầu tháng 4/2024, Linh được số đối tượng cầm đầu Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời cho họp nhóm để bàn bạc về các kế hoạch chống Đảng, Nhà nước.
Sau đó, đến tháng 8/2024, Linh được các đối tượng cầm đầu tổ chức giao nhiệm vụ khảo sát các địa điểm tại TP Hồ Chí Minh để rải truyền đơn gồm công viên Tao Đàn, công viên Gia Định và công viên 23/9, chuẩn bị cho cuộc "Tổng biểu tình trong cả nước". Theo nhiệm vụ được phân công, Linh đã khảo sát 3 địa điểm rải truyền đơn. Bên cạnh đó, Linh đã tải mẫu truyền đơn của tổ chức về máy tính cá nhân.
Đối tượng Trần Thị Hường sau khi bị bắt giữ cho biết, từ tháng 5/2024, Hường tham gia tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời. Hường được số cầm đầu tổ chức cho tham gia nhóm họp; đã bàn bạc kế hoạch in truyền đơn; thuê người bán vé số tán phát các các khu vực công cộng; đưa người trà trộn vào các đoạn từ thiện để tiếp cận những người nghèo. Qua đó, tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia tuần hành, biểu tình trong cả nước để chào đón Đào Minh Quân trở về Việt Nam.
Đối tượng Hường có nhiệm vụ in 2.000 tờ truyền đơn để thuê người rải ở TP Hồ Chí Minh. Hường đã in được 1.000 từ truyền đơn và cất giấu tại nhà riêng. Khám xét nhà riêng của Hường, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, khuyếch trương thanh thế cho Đào Minh Quân và tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.
Ngày 31/8/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Vương Văn Hồng Nam (SN 1963, quê tỉnh Trà Vinh; ngụ xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) về hành vi "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Đối tượng đã lập nhiều tài khoản mạng xã hội để kết bạn, trao đổi với các đối tượng là thành viên thuộc tổ chức phản động, khủng bố này.
Trước đó, cơ quan Công an nhiều lần mời làm việc, răn đe, giáo dục Nam, cũng như tạo cơ hội để đối tượng từ bỏ hoạt động cho tổ chức phản động, khủng bố Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời nhưng Nam vẫn ngoan cố, cho rằng việc làm của mình là đúng. Nam đã thay đổi địa bàn hoạt động, tiếp tục móc nối với số đối tượng cầm đầu của tổ chức phản động, khủng bố, gia tăng các hoạt động chống phá, tuyên truyền, lôi kéo người khác cùng tham gia. Quá trình bắt, khám xét, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu, thiết bị liên quan hành vi phạm tội của đối tượng.

Theo CAND

Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIV🌿🌿🌿Toàn Đảng, toàn dân, t...
17/07/2025

Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIV

🌿🌿🌿

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chuẩn bị tốt các nội dung, kế hoạch, tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng, mang tính bước ngoặt để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lợi dụng đẩy mạnh các hoạt động xuyên tạc, hạ uy tín, chống phá, phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoang mang dư luận...
Những thủ đoạn “bổn cũ soạn lại”
Mỗi kỳ Đại hội Đảng, trên các phương tiện, trung tâm truyền thông chống cộng ở hải ngoại, trang thông tin, mạng xã hội của các tổ chức phản động lưu vong lại lợi dụng đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nhận diện ở một số vấn đề sau đây:
Một là, trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động coi việc phủ nhận, bác bỏ vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là trọng tâm, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để xóa bỏ thành quả cách mạng, xóa bỏ con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam, hướng lái Việt Nam phát triển theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Các đối tượng xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng ta phải thoái lui, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, kiến nghị xây dựng nhà nước “tam quyền phân lập”; thực hiện cái gọi là giá trị “tự do, dân chủ, nhân quyền” theo kiểu phương Tây; từ đó gây tâm lý hoài nghi, dao động, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân vào vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hai là, các đối tượng xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ra sức tuyên truyền cho luận điệu “chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời”; “chủ nghĩa Mác - Lênin là lý thuyết suông về CNXH không tưởng, không có thực”... Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Mục đích của chúng là phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lịch sử của dân tộc, lấy cớ cổ xuý cho ý đồ xây dựng, hình thành những đảng phái chính trị đối lập, chống phá từ bên trong.
Ba là, trên nhiều kênh trung tâm thông tin nước ngoài, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong và trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối cho rằng, việc Đảng kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là siêu hình, trái quy luật về xu thế phát triển của thế giới. Lại có ý kiến đưa ra lý lẽ lập lờ, nội hàm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là mông lung, khó khả thi vì bảo vệ Tổ quốc chỉ là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia chứ không phải là bảo vệ một đảng phái, một chế độ chính trị nào. Có ý kiến quy kết “chế độ độc đảng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến Việt Nam hiện vẫn là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu”. Các đối tượng tiếp tục dẫn chứng sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu để biện minh cho quan điểm của mình…
Bốn là, phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, các thế lực thù địch, phản động còn ra sức lợi dụng những tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội, các tồn tại, hạn chế trong giáo dục, y tế, môi trường, vấn đề suy thoái, tham nhũng, lãng phí… để gây nhiễu dư luận, xuyên tạc bản chất của chế độ; coi những tiêu cực đó có nguyên nhân do sự lãnh đạo của Đảng. Nguy hiểm hơn, các đối tượng đưa ra luận điệu “tham nhũng là hệ quả tất yếu của chế độ độc đảng”; việc sắp xếp tổ chức, bộ máy thực chất là “đấu đá trong nội bộ Đảng”... Từ đó, các thế lực này lớn tiếng hô hào đòi thay đổi chế độ, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, khoét sâu vào việc một số cán bộ cấp cao bị kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự do vi phạm kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Chúng tìm mọi thủ đoạn để phát tán luận điệu coi đó là mất đoàn kết, thống nhất trong Ðảng; thổi phồng, xuyên tạc công tác sắp xếp đơn vị hành chính, tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự, công tác xây dựng Đảng với những chiêu bài nguy hiểm. Chúng triệt để sử dụng các trang mạng xã hội, Internet, blog cá nhân để phát tán các thông tin xấu độc, xuyên tạc cho rằng công tác nhân sự là “tạo lập phe cánh”, “thanh trừng phe phái”. Chúng tạo cớ xuyên tạc, tung ra các quan điểm sai trái, thù địch nhằm đả kích, bôi nhọ lãnh đạo, phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm “hạ bệ thần tượng” của Đảng và toàn dân tộc, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH của nước ta.
Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Trên phương diện lý luận, cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh chính trị. Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C. Mác và Ph. Ăngghen đã nói đến sự lo sợ của giai cấp tư sản về chủ nghĩa cộng sản như “bóng ma ám ảnh châu Âu” và sự liên kết chống phá quyết liệt của chúng. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin nhiều lần khẳng định, trong tất cả các giai đoạn phát triển, các thế hệ cách mạng trên toàn thế giới đều phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng đấu tranh bảo vệ sự nghiệp cách mạng chân chính của giai cấp, của dân tộc, trong đó có cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận bảo vệ vai trò, vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Do vậy, đây là âm mưu, bản chất, nhất là Đại hội Đảng là thời điểm các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động tăng cường hoạt động chống phá.
Về phương diện lịch sử, trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ qua, có giai đoạn tồn tại cùng Đảng Cộng sản Việt Nam từng có Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ... tham chính, song vì không thể đảm nhiệm được sứ mệnh lịch sử nên cuối cùng đã tự rút lui. Trong suốt hơn 95 năm ra đời, phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ, đi theo sự lãnh đạo của Đảng, góp sức và làm nên những thành tựu của sự nghiệp cách mạng. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng việc tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện Hiến pháp, pháp luật.
Về phương diện chính trị, pháp lý, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và hệ thống chính trị được hiến định tại Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và hiện nay, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Về thực tiễn, trải qua gần 40 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy mô GDP đã tăng hơn 100 lần, từ con số 4 tỷ USD lên hơn 470 tỷ USD năm 2024. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt 7,09% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình chính trị ổn định, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, an ninh, quốc phòng giữ vững, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng nâng lên trên trường quốc tế. Nhờ đó, đời sống về vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng cao, có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn.
Thế giới có nhiều đổi thay, diễn biến phức tạp, khó lường, đan xen giữa thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn nhưng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc đã, đang và tiếp tục là lực lượng chính trị duy nhất có đủ vị thế, năng lực, uy tín để cầm quyền, lãnh đạo. Trong quá trình đó, Đảng ta không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh” lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo con đường XHCN. Do đó, mọi sự xuyên tạc về vai trò, vị trí, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam tất yếu bị bác bỏ bởi những căn cứ cả về lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Theo CAND

Nhận diện các chiến dịch tuyên truyền chống phá trước Đại hội XIV của Đảng🌿🌿🌿Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần t...
17/07/2025

Nhận diện các chiến dịch tuyên truyền chống phá trước Đại hội XIV của Đảng

🌿🌿🌿

Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Trước Đại hội XIV của Đảng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, khẩn trương nhằm tạo động lực để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Thế nhưng, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng chống đối coi đây là “thời điểm vàng” để đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch tuyên truyền với những thủ đoạn nguy hiểm trên các phương tiện thông tin, nhất là không gian mạng.

Gia tăng các chiến dịch tuyên truyền chống phá trên không gian mạng

Các đối tượng bôi nhọ, xuyên tạc việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng; công tác nhân sự trước Đại hội XIV… Hoạt động của các thế lực thù địch không còn đơn lẻ mà được tiến hành ồ ạt theo kiểu chiến dịch, phủ sóng trên các trang web, nền tảng mạng xã hội ở nước ngoài.

Để gia tăng hiệu quả, quy mô, mức độ tác động của “chiến dịch tuyên truyền” trên không gian mạng, các thế lực thù địch cùng lúc triển khai nhiều lực lượng, phương tiện, tuyên truyền trên các nền tảng Tik Tok, Facebook, Youtobe…, đồng loạt đưa một chủ đề trong một khoảng thời gian nhất định.

Điển hình như chiến dịch tuyên truyền đòi xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp 2013 khi Đảng, Nhà nước ta tiến hành lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; chiến dịch kêu gọi tẩy chay Đại hội XIV Đảng Cộng sản Việt Nam; chiến dịch bàn luận nhân sự Đại hội XIV…

Điều dễ nhận thấy là những tổ chức, cá nhân kêu gọi “chiến dịch tuyên truyền” trên đều đến từ các tổ chức phản động lưu vong như tổ chức Việt Tân, “Đảng Dân chủ nhân dân”, “Đảng Vì dân”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”…

Hỗ trợ chiến dịch của các tổ chức này là những mạng truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như RFI tiếng Việt, RFA tiếng Việt; các tổ chức quốc tế, NGO nước ngoài thường xuyên có những hoạt động xuyên tạc, vu cáo Việt Nam về nhân quyền như tổ chức Theo dõi nhân quyền - HRW, Ân xá quốc tế - AI, Phóng viên không biên giới - RSF….

Bên cạnh đó, các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội XIV của Đảng còn được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt với sự phối kết hợp của lực lượng chống đối cả trong và ngoài nước, nhất là số dân biểu cực hữu trong chính giới một số nước phương Tây cùng số đối tượng chống đối, bất mãn trong nước.

Đầu tiên, có thể nhận thấy hoạt động chống phá thông qua các “chiến dịch tuyên truyền” trên không gian mạng được hướng đến công tác nhân sự và thông tin liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước thềm Đại hội XIV.

Lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những vụ việc liên quan cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương, chúng lấy đó là một cái cớ quan trọng để thổi phồng, quy chụp tham nhũng, tiêu cực là tình trạng “phổ biến”, là “bản chất” của Đảng.

Vì thế, chúng mỉa mai rằng, ai là nhân sự đại hội, ai vào tứ trụ, ai vào Trung ương thì “cũng như nhau mà thôi”. Cùng với đó, chúng còn tìm mọi cách đơm đặt, chế tạo các video clip bằng cách ghép hình ảnh, âm thanh làm nhiễu loạn, lẫn lộn thật - giả; tán phát đơn thư nặc danh hòng công kích, bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những cán bộ, đảng viên trong diện quy hoạch nhân sự cho đại hội...

Nội dung của các “chiến dịch tuyên truyền” thường hướng theo một chủ đề thống nhất như: Tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013; xuyên tạc cương lĩnh, dự thảo các văn kiện Đại hội; bôi nhọ nguyên tắc tổ chức, vấn đề nhân sự Đại hội XIV… Chẳng hạn, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, việc Trung ương Đảng công bố dự thảo văn kiện để lấy ý kiến từ cơ sở là một bước quan trọng, thể hiện tính dân chủ, cầu thị.

Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm này, các thế lực thù địch đã tăng cường phát tán những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật bằng việc tung ra nhiều luận điệu sai lệch như “văn kiện chỉ ca ngợi thành tích, không nhìn nhận hạn chế”; “các mục tiêu phát triển không thực tế, viển vông, thiếu cơ sở khoa học”; “Đảng không minh bạch trong công khai nội dung văn kiện”; “chính sách chỉ phục vụ lợi ích nhóm, không đại diện ý chí nhân dân”; “dự thảo các văn kiện của Đại hội XIV chỉ mang tính hình thức, thiếu tính thực tiễn, không phản ánh đúng nguyện vọng của người dân”… Từ đó, chúng kêu gọi người dân tẩy chay văn kiện, đòi “sửa từ gốc” như thay đổi thể chế, từ bỏ con đường đi lên CNXH của đất nước…

Đối với công tác nhân sự của Đại hội, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong, đài báo nước ngoài đã đồng loạt tán phát hàng chục bài viết có nội dung xuyên tạc về công tác nhân sự Đại hội XIV, bịa đặt “nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang hình thành phe cánh để tranh giành, đấu đá quyền lực; vu cáo “lợi ích nhóm”, “thanh trừng phe phái” trong công tác nhân sự; cho rằng vấn đề nhân sự Đại hội Đảng bị một số thế lực bên ngoài can thiệp, từ đó rêu rao “không thể khách quan”, “không công bằng”, “chỉ để nhằm hợp thức hóa việc sắp xếp ghế, đấu đá, tranh giành quyền lực”, “chỉ là màn kịch đấu đá trong nội bộ các tổ chức đảng, tạo phe cánh, tạo thế lực”…

Các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong cũng thông qua các “chiến dịch tuyên truyền” để dựng lên những “ngọn cờ” dưới vỏ bọc những người có “tâm huyết” với vận mệnh của đất nước, mượn danh “tiếng nói”, “nguyện vọng” của đa số dân chúng để “góp ý”, “kiến nghị” với Đảng, Nhà nước. Đây là một trong những âm mưu xảo trá, làm cho môi trường thông tin xã hội nhiễu loạn, khiến người dân không phân biệt được đúng - sai, trắng - đen, thực - ảo, thật - giả lẫn lộn; gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, mất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trước thềm Đại hội XIV.

Như vậy, luận điệu chống phá thông qua các “chiến dịch tuyên truyền” trước thềm Đại hội Đảng XIV như trên dù không có gì mới nhưng lại được các thế lực thù địch, phản động khéo léo ngụy tạo với nhiều thủ đoạn nham hiểm, vừa trực diện trắng trợn, vừa che giấu úp mở, gieo sự nghi hoặc với người đọc, người nghe, người xem. Càng đến gần đại hội Đảng, sự chống phá của chúng càng dồn dập hơn, liều lượng tăng cao.

Tăng cường thông tin chính thống, hạn chế khoảng trống thông tin

Hơn 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát để giành những thắng lợi vẻ vang, vĩ đại. Đặc biệt, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cô lập, đến nay Đảng ta đã có quan hệ với trên 150 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới. Tính đến ngày 16/5/2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 13 quốc gia là Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Ngoài ra, Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện có tầm vóc lớn, được thế giới quan tâm như Hội nghị cấp cao APEC 2006, 2017 (trong tương lai là 2027) hay Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019. Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, quốc phòng, an ninh vững chắc, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại; đảm nhiệm trọng trách, phát huy tích cực vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Ngày nay, khi cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới, sứ mệnh của Đảng cũng rất nặng nề, đòi hỏi Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền.

Thế giới đang trong giai đoạn thay đổi có tính thời đại, định hình trật tự, cục diện mới. Xu thế hợp tác, phát triển là chủ đạo trong quan hệ quốc tế song cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng gay gắt hơn trên các không gian truyền thống và phi truyền thống. Xung đột, chiến tranh diễn ra ở nhiều khu vực, không loại trừ nguy cơ lan rộng. Sự phát triển, chạy đua, cạnh tranh về khoa học kỹ thuật và công nghệ gây ra những biến đổi sâu sắc, đã và đang làm thay đổi phương thức hoạt động, tổ chức, cách thức tiến hành chiến tranh, can dự, can thiệp của các nước.

Xu hướng vận động của tình hình thế giới tạo ra cơ hội để Việt Nam đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức trong giữ vững độc lập, tự chủ, từ đó tác động trực tiếp, thách thức đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa đó, Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết với tiêu đề “Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh “Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân mà còn là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cao hơn, chuỗi sự kiện này là một trong những yếu tố then chốt tạo nền tảng chính trị vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và ước vọng của toàn dân tộc”.

Các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội Đảng XIV của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong thời gian qua không chỉ tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, gây ra những hoài nghi, hoang mang, mất niềm tin trong một bộ phận quần chúng, cán bộ, đảng viên mà còn tác động, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự.

Từ nay đến khi diễn ra Đại hội XIV của Đảng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị, bất mãn sẽ càng đẩy mạnh thực hiện các “chiến dịch tuyên truyền” trên không gian mạng. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, gia tăng sức “đề kháng” và khả năng “miễn dịch” cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin liên quan đại hội, nhất là công tác nhân sự bởi thông tin càng cởi mở thì sự lan toả càng mạnh mẽ, kết nối thông suốt, càng có điều kiện để phòng, chống tin giả, tin xấu độc, ngăn ngừa khoảng trống thông tin.

Cùng với đó là việc xử lý hành vi lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận” để phát tán tài liệu vu cáo, bôi nhọ cán bộ, đảng viên, xuyên tạc, chống phá đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng.

Theo cand

Address

Thu Dau Mot

Telephone

0915455554

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when QUỐC TẾ ĐỎ posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to QUỐC TẾ ĐỎ:

Share

Category