Trà Vinh 24/7

Trà Vinh 24/7 Thông tin chính xác, kịp thời về nhiều vấn đề trong cuộc sống

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH, CƠ CẤU NHÂN SỰ TRƯỞNG PHÒNG Ở XÃ, PHƯỜNG MỚITrưởng phòng chuyên môn UBND xã sẽ tự ban hành quy chế...
02/07/2025

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH, CƠ CẤU NHÂN SỰ TRƯỞNG PHÒNG Ở XÃ, PHƯỜNG MỚI

Trưởng phòng chuyên môn UBND xã sẽ tự ban hành quy chế, ký mọi hồ sơ trong thẩm quyền và chịu trách nhiệm toàn diện, thay cho mô hình công chức phân tán trước đây.
Trách nhiệm "không đẩy việc" và quyền tự quyết

Nghị định 150 quy định UBND xã có tối đa ba phòng: Văn phòng HĐND - UBND, Kinh tế, Văn hoá - Xã hội.

Trưởng phòng - do Chủ tịch UBND xã bổ nhiệm - chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND xã và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của phòng. Mọi việc nằm trong thẩm quyền phải được xử lý dứt điểm tại cơ sở; hồ sơ chỉ trình lên lãnh đạo khi vượt giới hạn chuyên môn hoặc thẩm quyền. Quy tắc này được nêu rõ nhằm chấm dứt tình trạng đẩy việc lên trên ở cấp xã nhiều năm qua.

Theo chế độ thủ trưởng, Trưởng phòng ban hành quy chế làm việc, phân công công chức, điều hành ngân sách, tài sản và chịu trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong phạm vi quản lý.

Tờ trình, dự thảo đề án, kế hoạch tài chính… trước khi chuyển Văn phòng UBND xã thẩm tra đều phải do Trưởng phòng ký, trở thành căn cứ xác định trách nhiệm cá nhân nếu phát sinh sai sót.

Trưởng phòng đồng thời là đầu mối phối hợp ngang cấp. Hồ sơ liên quan nhiều lĩnh vực phải được chủ động trao đổi, thống nhất với Trưởng phòng khác trước khi trình Chủ tịch UBND xã, bảo đảm quyết định đến tay người dân nhanh, minh bạch và thống nhất tại cơ sở.

Tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu nhân sự

Để đáp ứng vai trò mới, Trưởng phòng phải tốt nghiệp đại học phù hợp với lĩnh vực phụ trách, có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, trung cấp lý luận chính trị và tối thiểu ba năm công tác chuyên ngành.

Bên cạnh đó, người đứng đầu phòng cần phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tinh thần phục vụ nhân dân và năng lực tổ chức, giám sát. Tiêu chuẩn này cao hơn đáng kể so với quy định trước kia, khi công chức cấp xã chỉ cần bằng trung cấp (đối với vùng khó khăn) và chưa bắt buộc kinh nghiệm quản lý.

Cơ cấu mỗi phòng một trưởng, một phó giúp xác định rõ người chịu trách nhiệm cuối cùng. Khi Trưởng phòng vắng mặt, Phó Trưởng phòng được ủy quyền điều hành nhưng không thay thế trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Trưởng phòng thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND xã, bảo đảm thống nhất chỉ đạo.

Trước năm 2025, theo Nghị định 112/2011 và Nghị định 34/2019, cấp xã không tổ chức phòng chuyên môn; sáu công chức độc lập (văn phòng - thống kê, tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán, địa chính, văn hoá - xã hội, quân sự/công an) chủ yếu tham mưu, soạn thảo văn bản nhưng không đứng ra ký trình và không chịu trách nhiệm toàn diện.

Ngoài chuyên môn, Trưởng phòng phải định kỳ báo cáo, tự kiểm tra việc thực thi pháp luật; tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị sửa đổi quy định chưa phù hợp. Những nhiệm vụ này trước đây do Chủ tịch xã trực tiếp gánh vác, nay được chia sẻ cho cấp phòng, giúp bộ máy cơ sở vận hành hiệu lực hơn.

Dân trí

QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨCChính phủ ban hành Nghị định số 172/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 ...
02/07/2025

QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Chính phủ ban hành Nghị định số 172/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, chính quyền địa phương chuyển từ 3 cấp sang 2 cấp nên một số quy định hiện hành về xử lý kỷ luật liên quan đến cấp huyện, cấp xã không còn phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc trong xử lý kỷ luật một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ; một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật như nguyên tắc xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật …

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 172/2025/NĐ-CP thay thế Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Thắt chặt trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định 3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (thay vì 4 trường hợp như quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP):

1- Cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

2- Cán bộ, công chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vợ không thể nuôi con vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.

3- Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

(Trước đó, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định trường hợp "cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép" cũng thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.)

Bổ sung các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định các trường hợp loại trừ kỷ luật được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì được miễn kỷ luật:

a- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm;

b- Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2025;

c- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi thi hành công vụ;

d- Đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có gây ra thiệt hại vì lý do khách quan;

đ- Thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền cho phép và được cấp có thẩm quyền xác định đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung nhưng có thiệt hại xảy ra.

e- Có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

Như vậy, so với Nghị định số 71/2023/NĐ-CP và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP thì Nghị định số 172/2025/NĐ-CP đã bổ sung trường hợp d và đ để thể chế hóa Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức năm 2025 về cơ chế khuyến khích dám nghĩ, dám làm.

Đồng thời, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP cũng bổ sung quy định cụ thể các trường hợp vi phạm được xem xét giảm nhẹ hoặc tăng nặng mức kỷ luật.

Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì được giảm nhẹ mức kỷ luật:

a- Chủ động báo cáo vi phạm, tự giác nhận trách nhiệm cá nhân về khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm trước và trong quá trình kiểm tra, giám sát;

b- Chủ động cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm;

c- Chủ động chấm dứt hành vi vi phạm, tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác nộp tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.

Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì bị tăng nặng mức kỷ luật:

a- Đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu kiểm điểm nhưng không thực hiện, không sửa chữa khuyết điểm, vi phạm. Không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm, hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả hoặc khắc phục không đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, không tự giác nộp lại tiền, tài sản do vi phạm mà có;

b- Đối phó, quanh co, cản trở quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bao che cho người vi phạm; đe dọa, trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo, người làm chứng, người cung cấp tài liệu, chứng cứ vi phạm;

c- Vi phạm có tổ chức, là người chủ mưu; cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; che giấu, sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, tạo lập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả;

d- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh thực hiện chính sách an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh để trục lợi. Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm.

Sửa đổi thời hạn xử lý kỷ luật
Đồng thời, để thống nhất với Luật cán bộ, công chức năm 2025, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về thời hạn xử lý kỷ lật.

Theo quy định mới, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, người đã thôi việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm cho đến thời điểm cấp có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.

Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải bảo đảm xử lý kỷ luật trong thời hạn theo quy định. Nếu hết thời hạn xử lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành theo quy định của Đảng và pháp luật có liên quan và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.

Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với: Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật; thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có); thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế.

Bỏ một số hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Nghị định quy định hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ gồm: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; bãi nhiệm.

Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; buộc thôi việc.

Như vậy, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP đã bỏ hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã quy định tại Nghị định số 71/2023/NĐ-CP. Việc thay đổi này để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức năm 2025. Vì Luật này không quy định 02 hình thức kỷ luật trên.

Đồng thời, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ việc áp dụng các hình thức kỷ luật. Cụ thể:

Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 172/2025/NĐ-CP, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1- Vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; vi phạm đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp ở công sở, giao tiếp với Nhân dân; vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2- Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3- Vi phạm quy định về: quy chế tập trung dân chủ; tuyên truyền, phát ngôn; bảo vệ chính trị nội bộ.

4- Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái quy định.

5- Vi phạm quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định trên mà tái phạm.

2- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách ở trên.

3- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định trên mà tái phạm.

2- Có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, bãi nhiệm, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và thuộc một trong các trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết được giảm nhẹ.

3- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.

Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm.

2- Có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách hoặc khoản 3 Điều 9 Nghị định số 172/2025/NĐ-CP nhưng người vi phạm không có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và thuộc một trong các trường hợp bị tăng nặng mức kỷ luật.

3- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4- Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

Áp dụng hình thức kỷ luật bãi nhiệm đối với cán bộ

Cán bộ có hành vi vi phạm theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan thì bị bãi nhiệm. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bãi nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Phương Nhi/Chinhphu.vn

TẬP TRUNG BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC THEO YÊU CẦU VỊ TRÍ VIỆC LÀMChính phủ ban hành Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định về đào tạ...
02/07/2025

TẬP TRUNG BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC THEO YÊU CẦU VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Chính phủ ban hành Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức với quan điểm lấy học viên làm trung tâm, giảm tối đa các loại chứng chỉ chương trình bồi dưỡng không thiết thực; tập trung bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ.

Nghị định 171/2025/NĐ-CP yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức về tự nghiên cứu, tự học tập và lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều kiện cử công chức đi đào tạo
Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định rõ yêu cầu về đào tạo sau đại học, theo đó, đào tạo sau đại học đối với công chức nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị. Ưu tiên đào tạo các lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.

Việc đào tạo sau đại học đối với công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo.

Về điều kiện cử đi đào tạo sau đại học, Nghị định nêu rõ: Công chức có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Công chức không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.

Công chức có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sau đại học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo.

Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Công chức được cử đi đào tạo sau đại học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết bởi cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.

Phải đền bù chi phí đào tạo nếu tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo
Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định: Công chức được cử đi đào tạo sau đại học bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng công chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo.

2. Thực hiện hình thức kỷ luật buộc thôi việc theo quy định.

3. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

4. Đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc, bị kỷ luật buộc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này (ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo).

Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ khóa đào tạo, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

Nội dung bồi dưỡng công chức phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm
Nghị định quy định nội dung bồi dưỡng công chức phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, nội dung bồi dưỡng gồm:

1. Lý luận chính trị.

2. Kiến thức quốc phòng và an ninh.

3. Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước.

4. Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

5. Kiến thức khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.

Trong đó, chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức lãnh đạo, quản lý, gồm:

a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, thời gian thực hiện là 04 tuần, gồm:

- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở cấp xã;

- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở cấp sở và tương đương;

- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc cấp vụ và tương đương;

b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương, thời gian thực hiện là 04 tuần;

c) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương, thời gian thực hiện là 04 tuần;

d) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cấp thứ trưởng và tương đương, thời gian thực hiện là 02 tuần.

Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian thực hiện tối thiểu là 01 tuần, tối đa là 02 tuần.

Nghị định nêu rõ: Công chức lãnh đạo, quản lý bắt buộc phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước sau khi bổ nhiệm vào vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.

Công chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của cơ quan quản lý công chức bảo đảm thời gian thực hiện tối thiểu 01 tuần (40 tiết)/năm.

3 hình thức tổ chức bồi dưỡng
Nghị định quy định các hình thức tổ chức bồi duỡng gồm:

1. Tập trung;

2. Trực tuyến;

3. Kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Quy định trên nhằm phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng.

Điều kiện bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước
Nghị định 171/2025/NĐ-CP cũng quy định cụ thể yêu cầu bồi dưỡng ở nước ngoài. Theo đó, quốc gia được chọn để cử công chức đến học tập phải đáp ứng những yêu cầu sau:

a) Các quốc gia có nền hành chính hiện đại, quản trị công hiện đại, có thế mạnh, kinh nghiệm quản lý về các lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, hội nhập quốc tế và các lĩnh vực khác cần học tập, nghiên cứu, có thể áp dụng ở Việt Nam;

b) Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có các điều kiện học tập, nghiên cứu, phương pháp giảng dạy đáp ứng được mục đích, nội dung, chương trình của khóa bồi dưỡng.

Việc tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài phải bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng và hiệu quả.

Việc cử công chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm và nhu cầu của cơ quan, đơn vị.

Điều kiện bồi dưỡng ở nước ngoài:

1. Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian dưới 01 tháng, công chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 18 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

2. Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian từ 01 tháng trở lên đến dưới 12 tháng, công chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 24 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

3. Chuyên môn, nghiệp vụ của công chức được cử đi bồi dưỡng phải phù hợp với nội dung của khóa bồi dưỡng.

4. Công chức không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

5. Công chức được cử đi bồi dưỡng phải được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm trước liền kề.

6. Công chức có sức khỏe bảo đảm đáp ứng yêu cầu khóa bồi dưỡng.

Nghị định 171/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Thanh Quang/Chinhphu.vn

CHÍNH THỨC ÁP DỤNG TỪ 01/7: BỐN NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ CÔNG CHỨC CÓ GÌ NỔI BẬT?Thống nhất quản lý công chức từ Trung ương đến ...
02/07/2025

CHÍNH THỨC ÁP DỤNG TỪ 01/7: BỐN NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ CÔNG CHỨC CÓ GÌ NỔI BẬT?

Thống nhất quản lý công chức từ Trung ương đến cấp xã; bỏ thi nâng ngạch; quản lý công chức theo vị trí việc làm; lược bỏ hình thức giáng chức; cho phép ký hợp đồng thu hút chuyên gia… là những thay đổi đáng chú ý trong 4 Nghị định mới của Chính phủ hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Bốn Nghị định gồm: Nghị định số 170/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 171/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức; Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; Nghị định số 173/2025/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức.

Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội Vụ) cho biết, các Nghị định này có hiệu lực đồng thời với Luật Cán bộ, công chức từ ngày 01/7/2025, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời trong triển khai thực hiện.

Trước đó, ngày 24/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), thay thế Luật hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Bốn Nghị định nêu trên là những văn bản hướng dẫn quan trọng, cụ thể hóa các nội dung cốt lõi của Luật, tạo nền tảng cho việc đổi mới toàn diện nền công vụ.

Thống nhất quản lý công chức từ Trung ương đến cấp xã, bỏ thi nâng ngạch
Trong đó, Nghị định số 170/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (gồm 6 Chương, 73 Điều) một trong những văn bản hướng dẫn trọng tâm của Luật mới.

Điểm nổi bật của Nghị định là đã quy định chi tiết những nội dung đổi mới của Luật về thống nhất quản lý công chức từ Trung ương đến cấp xã; đổi mới phương thức quản lý công chức theo vị trí việc làm - lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm.

Quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, nội dung, hình thức, trình tự thủ tục thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức phù hợp với từng vị trí việc làm có thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là việc tiếp nhận vào làm công chức lãnh đạo, quản lý đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; quy định việc bố trí, phân công công tác bảo đảm phù hợp giữa quyền hạn và nhiệm vụ được giao gắn với vị trí việc làm; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác theo đúng yêu cầu vị trí việc làm; quy định các trường hợp thay đổi vị trí việc làm được xếp ngạch tương ứng khác ngạch hiện giữ.

Đặc biệt, Nghị định đã bỏ thi nâng ngạch là một bước cải cách lớn. Thay vào đó, công chức sẽ được đánh giá dựa trên kết quả công việc, phẩm chất và năng lực thực tế. Đồng thời, không quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia, tạo sự linh hoạt và phân cấp nhiều hơn cho các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, Nghị định quy định chuyển tiếp đối với một số trường hợp đang bị tạm dừng tuyển dụng trước ngày 01/12/2024, người đang thực hiện tập sự, việc xếp ngạch công chức tương ứng với chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm,...

Đào tạo, bồi dưỡng công chức gắn với vị trí việc làm, bỏ bồi dưỡng theo ngạch
Nghị định số 171/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức (gồm 7 Chương, 42 Điều), trong đó đào tạo, bồi dưỡng công chức theo nguyên lý quản lý công chức theo vị trí việc làm, gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác sử dụng, bổ nhiệm và quản lý công chức, bỏ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức. Đây là sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận phát triển đội ngũ công chức.

Công chức phải có trách nhiệm trong việc tự nghiên cứu, học tập và lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của ví trí việc làm.

Nghị định cũng đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sơ đào tạo, bồi dưỡng ở Trung ương, ở địa phương và cơ quan quản lý nhà nước các cấp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Đáng chú ý, Nghị định quy định công chức lãnh đạo, quản lý phải tham gia bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý nhà nước sau khi được bổ nhiệm.

Lược bỏ hình thức giáng chức, đồng bộ với kỷ luật Đảng
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (gồm 5 Chương, 30 Điều), trong đó lược bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý và hình thức hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, đồng bộ với sử dụng kết quả đánh giá công chức theo quy định mới của Luật.

Đồng thời, Nghị định bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp loại trừ, miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật để thể chế hóa Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị (sửa đổi, bổ sung tại Quy định số 264-QĐ/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị), Quy định số 296-QĐ/TW ngày 30/5/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Cơ chế hợp đồng linh hoạt để thu hút nhân tài
Nghị định số 173/2025/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức (gồm 3 Chương, 16 Điều). Đây là cơ chế mới được quy định trong Luật Cán bộ, công chức để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm, chất xám, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước.

Theo đó, có thể ký hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của công chức, đặc biệt là ký hợp đồng với nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, luật gia, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý mang tính chất chiến lược, đột xuất, cấp bách; ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện những công việc mang tính chất hành chính hoặc những công việc mà nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được.

Kinh phí thực hiện ký kết hợp đồng do ngân sách nhà nước bố trí tối đa bằng 10% tổng quỹ tiền lương (bao gồm lương và các khoản phụ cấp lương) và tiền thưởng, nằm ngoài quỹ lương, ngoài kinh phí khoán chi hành chính theo biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được dự toán trong ngân sách hằng năm.

Với những nội dung đổi mới mạnh mẽ về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, kỷ luật và cơ chế hợp đồng, chùm 4 Nghị định vừa được ban hành tạo nền tảng quan trọng cho việc tái cấu trúc nền công vụ theo hướng chuyên nghiệp, năng động, minh bạch và hiệu quả.

Đây là bước triển khai đồng bộ Luật Cán bộ, công chức, đưa các chủ trương lớn của Đảng vào cuộc sống, lấy công chức làm trung tâm của cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thu Giang/Chinhphu.vn

NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI VỀ TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨC CÓ HIỆU LỰC TỪ 1/7/2025Chính phủ vừa ban hành Nghị định s...
02/07/2025

NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI VỀ TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨC CÓ HIỆU LỰC TỪ 1/7/2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.

Nghị định gồm 06 Chương, 73 Điều, cụ thể Chương I: Quy định chung (gồm 02 điều: Điều 1 và Điều 2); Chương II: Tuyển dụng công chức (gồm 18 điều từ Điều 3 đến Điều 20); Chương III: Sử dụng công chức (gồm 36 điều từ Điều 21 đến Điều 56); Chương IV: Thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức (gồm điều 7 điều từ Điều 57 đến Điều 63); Chương V: Quản lý công chức (gồm 5 điều từ Điều 64 đến Điều 68); Chương VI: Điều khoản thi hành (gồm 5 điều từ Điều 69 đến Điều 73).

Bộ Nội vụ cho biết, về cơ bản, Nghị định được thiết kế theo nguyên tắc kế thừa các nội dung quy định tại các Nghị định hiện hành (nhất là quy định về tuyển dụng công chức theo 2 vòng thi, quy định về công tác bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) đã được sửa đổi, bổ sung năm 2024 tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP và có lược bỏ, điều chỉnh, bổ sung nội dung để bảo đảm đúng với quy định mới của Luật Cán bộ, công chức năm 2025.

Theo đó, Nghị định tập trung sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan đến: Tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm; Đối tượng tiếp nhận vào công chức; Bố trí vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng, thay đổi vị trí việc làm và xếp ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm; Chế độ thôi việc đối với công chức; Trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý công chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Quy định cụ thể các trường hợp thực hiện xét tuyển công chức
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 170/2025/NĐ-CP là quy định cụ thể các trường hợp thực hiện xét tuyển công chức để cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng thực hiện thuận lợi trong thực tiễn; đồng thời, giảm thiểu thủ tục hành chính trong tuyển dụng, phù hợp với Luật Cán bộ, công chức năm 2025.

Nghị định 170/2025/NĐ-CP quy định: Việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau đây:

1. Người cam kết tình nguyện làm việc từ đủ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.

3. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng thuộc đối tượng thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng.

Ngoài ra, trong công tác tuyển dụng, Nghị định 170/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến: Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức; nội dung vòng 2 (xét nghiệp vụ chuyên ngành) trong kỳ xét tuyển công chức phù hợp với đối tượng thực hiện xét tuyển; nội dung quyết định tuyển dụng xác định gồm tuyển dụng, bố trí vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng; tiêu chuẩn, điều kiện của người được tiếp nhận vào công chức.

Bổ sung quy định về bố trí và xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm
Một nội dung mới nữa của Nghị định 170/2025/NĐ-CP là bổ sung 1 mục tại Chương III quy định về bố trí và xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm, cụ thể gồm: Bố trí, phân công công tác (Điều 21); Bố trí vào vị trí việc làm, thay đổi vị trí việc làm công chức (Điều 22); Điều kiện, tiêu chuẩn đối với công chức khi thay đổi vị trí việc làm (Điều 23); Thực hiện thay đổi vị trí việc làm đối với công chức (Điều 24).

Theo Bộ Nội vụ, việc bổ sung Mục này nhằm xác định vai trò, nhiệm vụ cụ thể trong việc bố trí vị trí việc làm và xếp ngạch công chức đối với người trúng tuyển công chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức phân công công việc theo đúng yêu cầu vị trí việc làm tuyển dụng, bồi dưỡng, theo dõi đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức.

Đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp thay đổi vị trí việc làm có ngạch công chức xếp theo thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn ngạch hiện giữ; thay đổi vị trí việc làm có ngạch công chức cùng thứ bậc chuyên môn, nghiệp vụ nhưng khác ngạch hiện giữ; thay đổi vị trí việc làm có ngạch công chức xếp theo thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ thấp hơn ngạch hiện giữ do không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc có đơn tự nguyện thay đổi vị trí việc làm.

Bổ sung trường hợp được tiếp nhận vào công chức là chuyên gia, nhà khoa học, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu xuất sắc
Nghị định 170/2025/NĐ-CP cũng bổ sung trường hợp được tiếp nhận vào công chức là chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp; người công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị mà không phải là công chức, phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025 trong việc thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và người có kinh nghiệm, đáp ứng ngay yêu cầu công việc vào làm việc tại khu vực công.

Sửa đổi, bổ sung quy định về thôi việc đối với công chức
Nghị định 170/2025/NĐ-CP quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan sử dụng công chức được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng quyết định cho thôi việc hoặc ủy quyền quyết định cho thôi việc đối với công chức.

Nghị định cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với trường hợp công chức tự nguyện xin thôi việc và trường hợp công chức bị cho thôi việc.

Công chức tự nguyện xin thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau:

a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng;

b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

c) Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
Thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025, Nghị định 170/2025/NĐ-CP tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, theo đó, Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời, quy định Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc.

Ngoài ra, Nghị định xác định và quy định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức trong việc: (1) bố trí vị trí việc làm đối với người trúng tuyển vào công chức; (2) thay đổi vị trí việc làm công chức.

Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Nghị định 170/2025/NĐ-CP không quy định về thi, xét nâng ngạch công chức, theo đó các thủ tục hành chính về thi, xét nâng ngạch công chức sẽ được bãi bỏ; đồng thời, giảm thiểu các hình thức quy định khi tuyển dụng công chức.

Ngoài ra, để giảm thiểu thủ tục hành chính, Nghị định 170/2025/NĐ-CP quy định không phải lập hồ sơ bổ nhiệm theo quy định trong trường hợp đổi tên cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không thay đổi mô hình tổ chức thì cấp có thẩm quyền quyêt định thay đổi chức vụ theo vị trí việc làm mới tương ứng; thời hạn giữ chức vụ tính theo quyết định bổ nhiệm cũ (không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm và không phải lập hồ sơ bổ nhiệm theo quy định).

Thanh Quang/Chinhphu.vn

Address

Thành Phố Trà Vinh
Tra Vin�
87000

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Trà Vinh 24/7 posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Share