
03/05/2025
TỰ HÀO 50 NĂM - VƯỢT QUA MỌI NỖI ĐAU ĐỂ LÀM NÊN MỘT DÂN TỘC VĨ ĐẠI
Tôi sinh ra ngay sau chiến tranh. Khi tiếng súng vừa dứt, đất nước vẫn chìm trong đói nghèo, đau thương và tan hoang. Những bữa cơm độn sắn trộn ngô, cơm chan nước rau muống luộc, vẫn là món quen trên mâm cơm nghèo của biết bao gia đình. Nhớ những hạt gạo, từng củ sắn đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của mẹ cha. Nhớ đôi dép rách cũng truyền từ anh sang em. Tất cả là ký ức không thể nào phai.
Nhớ ngày nào, khi đất nước vừa kỷ niệm 10 năm ngày Giải phóng. Cả xóm tụ lại bên chiếc ti vi đen trắng cũ kỹ, mắt dán chặt vào màn hình nhỏ như lòng bàn tay. Mỗi hình ảnh hiện lên chập chờn cũng đủ làm tim người run lên vì xúc động. Cảm xúc bồi hồi, thiêng liêng ấy như vẫn còn trong tôi, dù giờ đây đất nước đã tròn 50 năm thống nhất. Một nửa thế kỷ của nước mắt, máu xương và sự vươn lên không ngừng nghỉ.
Tôi lớn lên từ nghèo đói, từ mất mát, để rồi học cách yêu thương, học cách biết ơn từng điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Chính nghịch cảnh đã rèn luyện tôi, và hàng triệu người như tôi, để hiểu rằng: không có điều gì đáng quý hơn hòa bình, không gì thiêng liêng bằng độc lập.
Sẽ chẳng bao giờ quên những năm tháng gian khó ấy, giữa thành phố nhưng không điện, không nước sạch và thiếu cái ăn, cái mặc.
Tôi tự hào mình là người Việt Nam, bởi dòng máu trong huyết quản tôi mang ký ức của cả một dân tộc không khuất phục – nơi những thế hệ cha anh đã ngã xuống mà không một lời oán than, chỉ để dành lại độc lập cho dân tộc.
Tôi tự hào mình là người Việt Nam, vì tôi hiểu rằng tự do hôm nay không đến từ may mắn, mà đến từ ý chí, từ máu thịt, từ lòng yêu nước vô điều kiện của tổ tiên tôi, của những anh hùng mà máu xương đã hoà trộn cùng đất mẹ.
Tôi tự hào mình là người Việt Nam, vì tôi đã chứng kiến đất nước từ những mái nhà tranh vách đất đi lên thành cao ốc, thành phố hiện đại, sánh vai cùng thế giới.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng những vết sẹo vẫn còn. Không phải để hận thù, mà để nhớ ơn. Có những nỗi đau không thể nói thành lời, chỉ lặng lẽ hiện diện trong giọt nước mắt của những người mẹ già, trong ánh mắt người vợ góa, trong lặng thinh của người lính trở về không lành lặn.
Đất nước này sẽ chẳng thể nào quên hình ảnh những người mẹ gầy gò, lặng lẽ khóc thầm tiễn đưa con ra mặt trận. Nhưng sau mỗi bước chân con khuất bóng, họ quay đi, gục đầu vào vai áo, để nước mắt chảy ngược vào tim. Có người chờ con suốt một đời không trở lại. Những người mẹ không mặc giáp sắt nhưng mang trái tim can trường nhất trên đời. Họ đã góp phần thắp sáng ngọn lửa độc lập bằng chính nước mắt và tình yêu vô bờ bến.
Hãy thử hình dung lại: nơi từng là chiến trường khốc liệt, giờ là những khu công nghiệp hiện đại. Nơi từng rực lửa bom đạn, giờ sáng đèn học sinh đến lớp. Những ngôi làng xưa in dấu chân người lính, nay rộn ràng tiếng máy, tiếng cười, tiếng trẻ thơ lớn lên trong hòa bình. Độc lập hôm nay không phải là món quà, đó là cái giá đã được trả bằng máu, bằng nước mắt, bằng mạng sống của hàng triệu người đi trước.
Tôi biết ơn. Tôi không quên. Tôi chọn hành động.
Bởi vì “Đừng sợ chết, hãy sợ sống không có ý nghĩa.”
50 năm để ngợi ca quá khứ, nhưng cũng làm thức tỉnh những người may mắn như tôi, những người không phải nghe tiếng bom gào đạn thét, phải thức tỉnh để sống xứng đáng hơn mỗi ngày. Hãy đứng lên, trong sự tưởng niệm, để sống, để phụng sự, để xây dựng một Việt Nam hùng cường hơn nữa.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt."
Câu nói ấy là lời nhắc nhở rằng: hòa hợp không phải là quên đi những đau thương, mà là dũng cảm đối diện và bao dung với quá khứ. Đó là thái độ trưởng thành của một dân tộc đang vươn mình bước tới. Hòa hợp không có nghĩa là đồng nhất, mà là đồng lòng – để hướng tới mục tiêu cao cả hơn: một tương lai không còn chiến tranh, không còn hận thù, không còn những giọt nước mắt chia ly như quá khứ đã từng.
Và tôi tin rằng, mỗi người Việt Nam – đặc biệt là thế hệ trẻ – hãy coi việc phát triển bản thân, rèn luyện trí tuệ, đạo đức và thể chất không chỉ là trách nhiệm cá nhân, mà còn là cách thiết thực nhất để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một đất nước mạnh là đất nước của những con người mạnh. Hãy bắt đầu từ chính mình – để Việt Nam không chỉ hùng cường hôm nay, mà mãi mãi rạng danh trong tương lai!
Tự hào mãi mãi Việt Nam ơi!