30/12/2023
AHN- Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng mà trong đó internet, mạng xã hội là những trọng tâm để tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, nói xấu các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phủ nhận thành quả mà chúng ta đã đạt được đồng thời bôi nhọ hình ảnh các lãnh đạo, lực lượng vũ trang. Đó chính là một trong những phần của kế hoạch hậu chiến năm xưa mà các cơ quan tình báo của đối phương đã xây dựng cuộc chiến tranh tâm lý. Vậy thực chất chiến tranh tâm lý là cái gì ?
*******
Chiến tranh tâm lý thực chất là hệ thống của các phương thức, thủ đoạn nhằm phá hoại trạng thái chính trị tinh thần tổ chức, cá nhân của đối phương nhằm giành được một mục đích nhất định hoặc hỗ trợ cho các hoạt động chính trị quân sự cụ thể. Xét toàn diện thì đó là cuộc chiến trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, về ý thức hệ, còn trên khía cạnh cụ thể hơn thì đó là các hoạt động phá hoại trạng thái tâm lý của đối phương.
Chế độ Ngụy quyền Sài Gòn từng có hẳn một Cục tâm lý chiến đảm nhiệm chuyên trách về công tác chiến tranh tâm lý. Tuy nhiên hiện nay chiến tranh tâm lý mà các thế lực thù địch cũng khác so với khi có chiến tranh, bởi không cần phải tìm cách biện minh cho cuộc chiến tranh phi nghĩa, không gắn với các hoạt động quân sự cụ thể mà chúng diễn ra một cách âm thầm, lợi dụng tất cả các yếu tố tiêu cực để tiến hành, có thể bắt nguồn từ một hành động “bột phát” nhưng có ảnh hưởng lớn đến đông đảo người dân nào đó. Bởi vậy, sẽ rất khó phân biệt giới tuyến, thậm chí trong một cá nhân nhưng cũng sẽ xảy ra trường hợp “lúc nghiêng bên này, lúc ngả bên kia”.
Quá trình tiến hành của đối phương luôn dựa vào tuyên truyền là chủ yếu, trong đó sẽ chia thành hai phương thức là công khai và bí mật. Đối với tuyên truyền bí mật thường được áp dụng trong các tổ chức, các nhóm hội của chúng, hoặc là các nguồn tin được giữ bí mật nguồn gốc xuất phát, bảo đảm bí mật cho kẻ chủ mưu. Tuy nhiên, nếu nguồn tin được phát ra từ các cá nhân có vị trí trong xã hội nhưng bất mãn với chế độ thì chúng lại cố ý để lộ danh tính nhằm tăng hiệu quả của sự ảnh hưởng. Còn tuyên truyền công khai thì chúng lợi dụng các phát biểu, bài báo hình ảnh của người có chức sắc, các sự cố, vụ việc có thật để tiến hành tuyên truyền, có lẽ có quá nhiều ví dụ thực tiễn mà chúng ta đã và đang đối diện hàng ngày.
Trong tuyên truyền dựa vào những sự việc có thật hoặc có một phần sự thật, chúng thổi phồng, xuyên tạc cả về quy mô và tính chất, làm sai lệch bản chất của sự việc khiến người dân hoang mang, dao động và tự diễn biến. Bên cạnh đó còn tập trung các hoạt động nhằm biến một vụ việc đơn lẻ thành phổ biến, điển hình để tạo dư luận tiêu cực. Hoặc vào những thời điểm thích hợp chúng kích động, gây rối, lôi kéo bằng cách tung ra các thông tin bịa đặt khiến người dân phân tâm, ngờ vực, dao động, nhất là trước các sự kiện chính trị của đất nước.
Phương pháp có thể là tuyên truyền trực tiếp, hoặc là gián tiếp, có thể các đối tượng trực tiếp thực hiện thông qua các kênh thông tin truyền thông, ví dụ như các đài RFA, trang Việt Tân… hay núp bóng các trang mạng xã hội để tiến hành hoạt động tuyên truyền. Hoặc là thông qua những người có tên tuổi, được nhiều người theo dõi như để tiến hành tuyên truyền gián tiếp thông qua các phát ngôn mà khi được chấn chỉnh thì những người đó sẽ nhanh chóng lên tiếng xin lỗi.
Bên cạnh tuyên truyền thì chúng cũng sử dụng các hình thức phản tuyên truyền, trong đó có thể là phản tuyên truyền trực tiếp hay gián tiếp, phản tuyên truyền chặn trước, phản tuyên truyền lạc hướng và giảm thiểu ảnh hưởng của vấn đề. Ví dụ, Khi Đảng mà nhà nước ta dự kiến ban hành một chủ trương chính sách nào đó thì chúng thông qua mọi cách xuyên tạc, bóp méo và tung tin ra dư luận nhằm cản trở các chủ trương, chính sách đó được ban hành hoặc thực hiện có hiệu quả. Hoặc là chúng thổi phồng một sự kiện khác khiến dư luận không tập trung sự chú ý vào chủ trương chính sách sắp ban hành…
Bằng cách lợi dụng triệt để ưu thế CNTT cùng với ảnh hưởng của sách báo, văn hóa phẩm chúng đầu độc, “ru ngủ” và gieo rắc hệ tư tưởng, lối sống, văn hóa tiêu cực đối với người đọc, nhất là với lớp trẻ. Riêng với đối tượng quần chúng nhân dân đông đảo, đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thì các thế lực thù địch vẫn sử dụng hình thức tuyên truyền đơn giản (rỉ tai, truyền khẩu, phao tin) là chủ yếu. Tuy nhiên thủ đoạn chính của chúng vẫn là xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật, đồn nhảm, đồn thổi, phóng đại, mua chuộc, cưỡng bức, đe dọa, cài cắm lực lượng. Ngoài ra, chúng còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác, đánh tráo khái niệm, tỏ ra khách quan công minh bằng cách có khen có chê, sử dụng các thủ đoạn để bản thân người đọc tự tạo ra sự phủ nhận, quy tắc “mưa dầm thấm lâu” , hoặc là chúng chỉ đưa tin không bình luận để tạo ra sự ám thị cho người đọc. Từ các diễn biến gần đây trên mạng xã hội cho thấy tất cả các hoạt động của cá nhân và tổ chức đều có một sự chỉ đạo chặt chẽ và có hệ thống, theo một kế hoạch thống nhất, và đã phần nào thấy sự “đồng thanh tương ứng”.
Từ đó để đấu tranh có hiệu quả, thiết nghĩ trước mỗi vấn đề cần nhận định chính xác vấn đề trọng tâm, khi phản biện cần có lập luận chặt chẽ, không để sơ hở, cần viện dẫn đầy đủ dẫn chứng nếu có thể. Đối tượng chủ yếu của chúng ta hướng đến là đông đảo người dân, đối tượng quan trọng là các phần tử phản động, cơ hội bất mãn, các luận điệu xuyên tạc, sai trái… Cần phải xác định được đối tượng, nục tiêu trước khi tiến hành phản biện.
Hạn chế tham gia tranh luận trong các “khu vực của đối phương” bởi như thế vô hình dung giúp cho chúng phát tán thông tin nhanh hơn.
Xây dựng các kênh thông tin vững mạnh, có chất lượng, tạo được uy tín bằng đội ngũ người viết hùng hậu, có tâm huyết để tập trung sự chú ý. Đồng thời liên kết chặt chẽ các kênh thông tin với nhau để tạo sự hỗ trợ lẫn nhau. Xây dựng đội ngũ quản trị có uy tín, có ảnh hưởng và thực sự tâm huyết.
Cuối cùng đó là cần xác định đây là một vấn đề nghiêm túc thể hiện ý thức hệ chính trị của bản thân đối với toàn xã hội, đây là vấn đề không phân biệt tuổi tác, giới tính; là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự yên bình, đến hạnh phúc ấm no không chỉ của cá nhân mà còn là của toàn dân tộc.
Lão hiu Grab An Hiền Ngọc
P/S: Tình đồng chí như mùa Xuân ấm áp 🤣🤣🤣🤣
Nguồn ảnh: Internet