Vũng Tàu - Phường 10

Vũng Tàu - Phường 10 Tôi ❤ VIỆT NAM

168 đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025Ngày 16/6/2025, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ t...
17/06/2025

168 đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025

Ngày 16/6/2025, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký Nghị quyết số 1685/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025. Nghị quyết có hiệu lực từ 16/6/2025. Theo đó, sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 01 đặc khu; trong đó có 112 phường, 50 xã, 01 đặc khu hình thành sau sắp xếp quy định tại Điều này và 05 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp là phường Thới Hòa, các xã Long Sơn, Hòa Hiệp, Bình Châu, Thạnh An.

- TTXVN -

Thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Thời khắc lịch sửSáng 16/6/2025, ...
17/06/2025

Thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Thời khắc lịch sử

Sáng 16/6/2025, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 470/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

- TTXVN -

100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2025): Cuốn sách ảnh đầu tiên về lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam“100 năm Báo...
13/06/2025

100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2025): Cuốn sách ảnh đầu tiên về lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam

“100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2025)” là cuốn sách ảnh đầu tiên về lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam, ra mắt ngày 10/6/2025 tại Hà Nội. Cuốn sách ảnh gồm những bài viết cô đọng cùng hơn 1.000 bức ảnh, tư liệu quý hiếm được khai thác, chọn lọc công phu từ nhiều nguồn trong cả nước. Khi xem cuốn sách, chúng ta có thể nhìn lại một cách hệ thống chặng đường 100 năm phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, từ những ngày đầu gian khó cho đến hiện tại. Cuốn sách là sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam; ghi lại hành trình gian khổ, kiên cường, nỗ lực dấn thân, sáng tạo và cống hiến của đội ngũ những người làm báo qua các thời kỳ; tôn vinh những đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuốn sách được biên soạn và phát hành dưới hình thức song ngữ, giúp người đọc trong nước hiểu rõ hơn về lịch sử báo chí nước nhà và giới thiệu đến bạn bè quốc tế một cách sinh động về hành trình phát triển đầy tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam.

- TTXVN -

13/06/2025

"CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 3 CẤP ĐÃ HOÀN THÀNH XUẤT SẮC SỨ MỆNH LỊCH SỬ"

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chính quyền địa phương 3 cấp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, để hôm nay đất nước có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử vững bước kỷ nguyên mới.
Phát biểu ý kiến sau phiên thảo luận về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sáng 12/6, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cùng với việc thông qua Nghị quyết, Quốc hội cũng sẽ thông qua một loạt văn bản quy phạm pháp luật để triển khai kịp thời và đồng bộ.

Theo Bộ trưởng, ngay trong chiều nay, Chính phủ sẽ công bố 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền triệt để cho địa phương.

Bộ trưởng nêu rõ, chính quyền địa phương 3 cấp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, để hôm nay đất nước có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử vững bước kỷ nguyên mới. Đặc biệt là yêu cầu đổi mới tái cấu trúc toàn diện không gian phát triển đất nước, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ đã lãnh đạo chỉ đạo sáng suốt, trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, tận tụy, hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước và xây dựng nền hành chính quốc gia, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp trong suốt gần 80 năm từ ngày thành lập nước cho đến nay.

Đồng thời, Bộ trưởng Nội vụ cũng bày tỏ lòng tri ân sâu nặng tới nhân dân và cử tri cả nước, đặc biệt là nhân dân tại các địa phương có đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sắp xếp hợp nhất, sáp nhập, đổi tên, khi đây là một tác động lớn tới thói quen sinh hoạt, tâm lý của cộng đồng, tới tên gọi thân quen gắn với đời sống người dân.

“Như Tổng Bí thư đã nói, bằng tinh thần và tình yêu quê hương đất nước, vì tương lai của đất nước, vì con cháu mai sau, người dân đã sẵn sàng hy sinh lớn lao. Sự chia sẻ, đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân và cử tri cả nước chính là sức mạnh cốt lõi, là điểm tựa, là nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và tất cả chúng ta ngày hôm nay càng quyết tâm để triển khai thành công cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, trong tiến trình đổi mới, cải cách và phát triển đất nước có những dấu mốc mang ý nghĩa thể chế, có những quyết định không chỉ điều chỉnh và tái cấu trúc không gian hành chính lãnh thổ để thúc đẩy quản trị quốc gia, quản trị địa phương. Quyết định lần này có ý nghĩa lịch sử, với tầm vóc chiến lược đặc biệt lớn lao để thiết kế cho tương lai, kiến tạo mô hình không gian phát triển mới, dài hạn cho đất nước.

Bộ trưởng khẳng định, mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển chung, vì sự giàu mạnh, phồn vinh, văn minh của đất nước; vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc lớn nhất của dân tộc, của nhân dân. Do vậy, việc sắp xếp lần này đã được các cấp thẩm quyền dành nhiều thời gian, xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn từng việc, hướng tới mục tiêu mở rộng không gian phát triển, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng và bảo đảm sự cân đối hài hòa, hợp lý, hỗ trợ cùng nhau phát triển và đi lên.

“Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một cuộc cách mạng tổ chức bộ máy nhận được sự thống nhất và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực vượt bậc của cấp ủy và chính quyền các địa phương. Đặc biệt là sự thống nhất đồng thuận, đồng lòng của người dân và cử tri cả nước. Trên 96% cử tri cả nước đồng thuận. Có rất nhiều địa phương cử tri đã đồng thuận trên 99% và có địa phương tới 99,81% đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Sớm giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng

Trước đó, tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) khẳng định chủ trương sắp xếp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết sách lớn, vừa có tính chiến lược, vừa mang tính cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, tổ chức lại không gian phát triển theo hướng mở rộng, gắn kết bền vững, phát huy lợi thế quy mô và tối ưu hóa nguồn lực.

“Đây là cơ hội để tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển vùng; phân bố lại dân cư, hạ tầng và nguồn lực đầu tư theo định hướng chiến lược mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững cho kỷ nguyên phát triển của từng địa phương cũng như cả nước”, đại biểu Thông nói.

Nhắc đến phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, đại biểu cho rằng việc sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một không gian kinh tế có tiềm lực mạnh, có thể so sánh với Thượng Hải.

Tương tự, việc hợp nhất 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ tạo thành một chỉnh thể kinh tế-hành chính lớn mạnh hơn với diện tích 24.233 km² (lớn nhất nước), dân số gần 4 triệu người và GRDP trên 323 nghìn tỷ đồng (xếp thứ 7 cả nước).

Như Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu, 3 địa phương này có những đặc điểm tự nhiên và kinh tế khác biệt nhưng lại bổ trợ cho nhau một cách tự nhiên: Lâm Đồng là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao; Đắk Nông có thế mạnh về khoáng sản và quỹ đất phát triển công nghiệp. Bình Thuận giữ vai trò đầu mối kết nối, cửa ngõ ra biển với tiềm năng năng lượng tái tạo và logistics ven biển.

Sự liên kết giữa cao nguyên, trung du và duyên hải sẽ hình thành một chuỗi giá trị liên ngành, chuỗi đô thị liên kết và một vùng du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - văn hóa đặc sắc, tạo nên một không gian phát triển liên thông, hiệu quả và bền vững hơn.

Góp ý thêm vào đề án sắp xếp, đại biểu đoàn Bình Thuận đề nghị cần sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với mô hình địa phương 2 cấp, có cơ chế tổ chức bộ máy đặc thù cho các tỉnh mới trong giai đoạn chuyển tiếp.

Đồng thời, cần sớm giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ việc; có chính sách đào tạo lại, hỗ trợ việc làm, ổn định nơi làm việc và sinh hoạt cho những cán bộ, công chức, người lao động phải di chuyển đến trụ sở mới sau sáp nhập.

Đại biểu Thông cũng đề nghị cần ưu tiên kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các địa phương có diện tích lớn sau sắp xếp như tỉnh Lâm Đồng; tận dụng và bố trí lại tài sản công một cách hiệu quả, tránh lãng phí tại các khu vực dôi dư sau sáp nhập và phát huy tối đa giá trị sử dụng.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, bên cạnh giảm gánh nặng chi phí ngân sách thì điều quan trọng hơn là sẽ tạo thêm động lực, không gian phát triển cho các địa phương.

Theo đại biểu, sự kết hợp, hợp nhất của các tỉnh, thành không chỉ là phép cộng về diện tích, dân số mà còn là phép nhân của GDP.

“Thí dụ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự hợp nhất 3 địa phương, giữa thủ phủ công nghiệp Bình Dương, trung tâm logistics-kinh tế biển Bà Rịa-Vũng Tàu kết hợp với trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ và đặc biệt là trung tâm công nghệ, tạo ra một tam giác vàng của cả nước. Địa phương Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ đóng góp 1/4 GDP và 1/3 tổng thu ngân sách cả nước, và chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa”, đại biểu Ngân nói.

Bên cạnh đó, việc hợp nhất sẽ giúp có thêm những tứ giác động lực mới rất tiềm năng. Cụ thể, cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép-Thị Vải kết hợp với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cùng với việc hình thành khu thương mại tự do kết hợp với trung tâm tài chính quốc tế, thêm cả sân bay quốc tế Long Thành của Đồng Nai sẽ tạo ra động lực mới cho vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu nói trên, đại biểu cho rằng cần có một thể chế đủ rộng, linh hoạt, phù hợp với quy mô dân số, kinh tế, đặc điểm về an ninh-quốc phòng của từng địa phương. Đồng thời, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu kinh nghiệm”.

Cùng với đó, phải ưu tiên cái nguồn lực cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội một cách đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng số để phát huy được vai trò của Chính phủ số trong quản lý, quản trị địa phương./.

Báo Nhân dân

13/06/2025

DÁM KHÁC BIỆT ĐỂ DẪN DẮT

Sáng qua, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và đề xuất mô hình “một trung tâm - hai điểm đến” thay cho phương án xây dựng hai trung tâm độc lập trước đó.

Sự điều chỉnh này là điều bình thường trong hoạch định chính sách, đặc biệt khi có thêm các phân tích, đánh giá kỹ lưỡng từ kinh nghiệm quốc tế và điều kiện trong nước. Suy cho cùng, điều quan trọng nhất không phải là số lượng mà là làm sao để Việt Nam có được một trung tâm tài chính đủ sức cạnh tranh trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Theo phương án mới, Trung tâm tài chính quốc tế đặt ở hai địa điểm là TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Mỗi nơi sẽ đảm nhiệm vai trò, chức năng riêng, phù hợp với lợi thế so sánh và định hướng phát triển của từng vùng, từng thành phố.

TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước, sẽ tập trung vào thị trường vốn, ngân hàng quốc tế, fintech, tài chính xanh, dịch vụ tài chính cho chuỗi cung ứng khu vực và các mô hình đổi mới sáng tạo có quy mô lớn... Trong khi đó, Đà Nẵng sẽ phát triển các mô hình thử nghiệm tài sản số, tiền kỹ thuật số, dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống thanh toán và chuyển tiền số, cùng các hoạt động quản lý quỹ gắn với khu thương mại tự do… “Phân vai” như vậy nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng thành phố, mở ra khả năng cộng hưởng giữa hai điểm đến, và cũng để tránh cạnh tranh lẫn nhau.

Là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, Việt Nam đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại. Nhu cầu về một trung tâm tài chính mới, khác biệt cũng đang hiện hữu. Nhưng mặt khác, trên thế giới có tới 119 trung tâm tài chính đang vận hành. Cuộc đua thu hút dòng vốn toàn cầu giữa các trung tâm này không chỉ là về mức độ mở cửa, mà còn là cuộc cạnh tranh gay gắt về thể chế, chất lượng dịch vụ, năng lực đổi mới và khả năng hội nhập sâu rộng.

Trong cuộc đua ấy, những quốc gia đi sau như Việt Nam có lợi thế trong việc “đi đường tắt” bằng thể chế và công nghệ; đồng thời chỉ có thể thành công nếu đi đúng hướng, khôn ngoan và khác biệt. Vì thế, những câu hỏi lớn đặt ra lúc này là: Các nhóm chính sách đang thiết kế hiện nay đã đủ để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hình thành và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế hay chưa? Các quy định đã đủ sức nặng, sức hấp dẫn, bảo đảm tính cạnh tranh so với khu vực và thế giới? Đâu là những chính sách mang tính “khác biệt và dẫn dắt” của Việt Nam để biến kỳ vọng thành hiện thực?

Những tòa nhà chọc trời, những con phố nhộn nhịp giao dịch, hay những dãy bàn làm việc với màn hình số nhấp nháy liên tục - điều người ta thường hình dung về trung tâm tài chính quốc tế thực chất chỉ là “phần cứng” hữu hình, dễ thiết kế, dễ xây dựng. Muốn có một trung tâm tài chính quốc tế vận hành hiệu quả, “phần mềm” - hệ thống pháp luật đồng bộ, cơ chế vận hành minh bạch, chính sách cạnh tranh, hạ tầng quản trị hiệu quả và đội ngũ nhân lực chất lượng cao - mới là yếu tố then chốt. Đây mới là thách thức thực sự mà Việt Nam phải vượt qua để từng bước hiện thực hóa tham vọng trở thành điểm đến tài chính của khu vực và thế giới.

Thế giới đã chứng kiến nhiều mô hình trung tâm tài chính quốc tế thành công, từ Singapore, Dubai, đến Thượng Hải. Bài học quan trọng rút ra là: Trung tâm tài chính quốc tế không thể được xây bằng bê tông và kính cường lực, mà phải được kiến tạo trên nền móng thể chế tiên tiến, nhân lực tinh hoa và hệ sinh thái đổi mới không ngừng. Nếu muốn khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu, Việt Nam không thể đi sau để làm giống người đi trước, mà phải đi trước trong cách nghĩ, cách làm và trong thiết kế chính sách. Giấc mơ tài chính quốc tế chỉ có thể thành hiện thực khi chúng ta dám mơ lớn, làm thật và làm khác biệt./.

Đại biểu Nhân dân

13/06/2025
CẢ NƯỚC CÓ 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNHSáng 12/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị ...
12/06/2025

CẢ NƯỚC CÓ 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Sáng 12/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Theo đó, kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực, ngày 12/6/2025, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố; trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp quy định tại nghị quyết này và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp.

- TTXVN -

12/06/2025
12/06/2025

ĐỘNG LỰC NỘI SINH THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Thi đua là yêu nước. Một mệnh đề tưởng như đơn giản nhưng lại hàm chứa chiều sâu tư tưởng cách mạng và nhân văn sâu sắc. 77 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948), tinh thần ấy vẫn không ngừng lan tỏa, lặng lẽ thấm sâu vào đời sống dân tộc, trở thành sợi dây kết nối ý chí, khát vọng và hành động của mỗi người Việt Nam trên hành trình kiến thiết đất nước.

Trong dòng chảy đổi thay mạnh mẽ của thời đại, khi đất nước bước vào kỷ nguyên số, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, xanh và toàn diện, tinh thần thi đua càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Không còn chỉ là lời kêu gọi vang dội trong hoàn cảnh chiến tranh, thi đua nay đã trở thành một phương thức tổ chức xã hội, một động lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển và đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực.

Ngày 11-6-1948, giữa khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát đi lời hiệu triệu ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Lời kêu gọi không chỉ thức tỉnh tinh thần yêu nước trong từng người dân mà còn mở ra một hệ giá trị mới, nơi lòng yêu nước được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực trong lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu và cống hiến.

Thi đua, theo tư tưởng của Người, không chỉ là biểu hiện tình cảm mà là phương pháp tổ chức cách mạng; không dừng lại ở khẩu hiệu mà phải gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân, tập thể. Người nhấn mạnh: Thi đua phải thực chất, không hình thức, phải hướng vào lợi ích thiết thân của nhân dân và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Chính từ tinh thần ấy, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, thi đua ái quốc đã không ngừng phát triển, tạo nên những phong trào hành động thiết thực như: “Bình dân học vụ”, “Tuần lễ vàng”, “Giữ gìn mùa màng”, rồi đến “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau này, trong công cuộc đổi mới, các phong trào: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hay “Nông thôn mới”, “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”... tiếp tục chứng minh sức sống bền bỉ của tư tưởng thi đua trong lòng dân tộc.

Ngày nay, thi đua không chỉ hiện diện trong các khẩu hiệu hay cuộc vận động mà còn là một dòng chảy bền bỉ, len sâu vào các hoạt động đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa bộ máy hành chính, phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Một ví dụ điển hình là Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” được Thủ tướng Chính phủ phát động. Đây là sự kế thừa sinh động tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là minh chứng cho cách nhìn mới về thi đua: Gắn chặt với thực tiễn, với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Từ Trung ương đến các địa phương, các phong trào thi đua đang diễn ra với nhiều hình thức phong phú và thiết thực. Các mô hình chính quyền điện tử, đô thị thông minh, dịch vụ công trực tuyến không chỉ thể hiện nỗ lực cải cách hành chính mà còn là kết quả của tư duy hành động tích cực, đổi mới phương pháp tổ chức, quản lý, phục vụ nhân dân. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tinh thần thi đua thể hiện ở việc không ngừng cải tiến công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain vào vận hành doanh nghiệp, quản trị và mở rộng thị trường.

Trong giáo dục, nhiều trường học trên cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng học liệu điện tử, giảng dạy trực tuyến, giúp học sinh tiếp cận tri thức theo phương pháp hiện đại hơn. Trong y tế, việc ứng dụng công nghệ vào hồ sơ bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh từ xa đang từng bước tạo ra sự thay đổi tích cực, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đó là những biểu hiện sinh động cho thấy thi đua yêu nước đã và đang trở thành phương tiện để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập.

Đáng chú ý, phong trào thi đua phát triển kinh tế tư nhân cũng đang ghi dấu ấn rõ nét. Từ chỗ gặp nhiều rào cản, khu vực này ngày càng được công nhận là động lực quan trọng của nền kinh tế. Dưới định hướng từ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã và đang vươn mình mạnh mẽ, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, mở rộng đầu tư, tạo việc làm và góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đã khẳng định được vị trí trên thị trường, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách bền vững.

Cùng với đó, các phong trào thi đua trong lĩnh vực an sinh xã hội cũng được triển khai sâu rộng, phát huy tinh thần tương thân tương ái, gắn kết cộng đồng. Việc xây dựng nhà tình nghĩa, chăm lo cho người nghèo, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội... đang trở thành những hoạt động thường xuyên, có tính lan tỏa mạnh mẽ, tạo nền tảng xã hội bền vững, nhân văn hơn.

Có thể nói, thi đua ngày nay không còn là một hoạt động “rầm rộ” hay hình thức mà đã trở thành một giá trị văn hóa trong hành xử và tư duy của mỗi công dân. Đặc biệt, khi công tác khen thưởng được tiến hành công khai, công bằng, kịp thời thì thi đua càng phát huy hiệu quả, cổ vũ những sáng kiến nhỏ bé nhưng thiết thực, khích lệ sự tận tụy trong công việc hằng ngày. Những tấm gương bình dị mà cao quý, những đổi mới dù âm thầm nhưng hiệu quả đang tiếp thêm năng lượng tích cực cho xã hội, nhân lên niềm tin vào sự đổi thay theo hướng tích cực, bền vững.

Phong trào thi đua yêu nước hôm nay vẫn đang thầm lặng định hình những giá trị nền tảng cho sự phát triển đất nước. Khát vọng vươn lên, ý chí không ngừng học hỏi, sáng tạo, đóng góp cho cộng đồng... đã và đang được khơi dậy mạnh mẽ. Đó cũng là cách để thực hiện mong muốn của Bác Hồ là xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhiều thách thức đan xen với cơ hội, phát huy tinh thần thi đua ái quốc không chỉ là sự tiếp nối truyền thống mà còn là lựa chọn đúng đắn để nâng cao nội lực quốc gia. Hơn lúc nào hết, sự tham gia tự nguyện, chủ động và sáng tạo của mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp là nhân tố quyết định để đất nước vững bước tiến lên./.

Báo QĐND

12/06/2025

Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng

Thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Hướng dẫn số 06- HD/TW ngày 9/6/2025, về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng.

Căn cứ Điều lệ Đảng; Quy định số 294-QĐ/TW, ngày 26/5/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, Ban Bí thư hướng dẫn chi tiết đối với 19 vấn đề cụ thể: về tuổi đời và trình độ học vấn của người vào Đảng ở một số trường hợp đặc biệt; về đảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thủ tục xem xét kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại); kết nạp đảng viên trong một số trường hợp cụ thể; quản lý hồ sơ đảng viên; chuyển sinh hoạt đảng…

Ban Bí thư ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương xem xét, có ý kiến bằng văn bản trước khi cấp ủy trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, giải thể đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng ở những nơi có đặc điểm riêng.

Đáng chú ý, tại mục 13 về cách tính nhiệm kỳ, số thứ tự đại hội đảng bộ, chi bộ, Hướng dẫn số 06- HD/TW nêu rõ, đối với đại hội đảng bộ, chi bộ tiến hành theo nhiệm kỳ, thực hiện đầy đủ các nội dung mà Điều lệ Đảng quy định thì nhiệm kỳ được tính theo thời điểm tiền hành đại hội. Số thứ tự đại hội tiếp nối theo thứ tự các nhiệm kỳ trước.

Những đảng bộ, chi bộ do chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì cách tính số thứ tự đại hội, nhiệm kỳ là số thứ tự đại hội qua các thời kỳ lịch sử (kể cả thời gian chia tách, hợp nhất, sáp nhập) cộng thêm nhiệm kỳ hiện tại; đảng bộ, chi bộ được thành lập mới thì tính theo nhiệm kỳ mới. Một đảng bộ, chi bộ được tách thì các đảng bộ, chi bộ mới được tính số thứ tự đại hội, nhiệm kỳ liên tiếp như nhau. Một đảng bộ, chi bộ được thành lập mới hoặc được thành lập từ nhiều đơn vị khác nhau thì tính đại hội sau thành lập mới là nhiệm kỳ đầu tiên. Trường hợp đặc biệt cần phải có cách tính khác thì báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Nhiệm kỳ của đảng bộ bộ phận như nhiệm kỳ của đảng bộ cơ sở; số lượng cấp ủy viên của đảng ủy bộ phận không quá 7 cấp ủy viên. Thí điểm thực hiện nhiệm kỳ của chi bộ (không phải chi bộ cơ sở) là 5 năm. Đối với chi bộ thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì nhiệm kỳ đầu tiên không nhất thiết là 5 năm…

Hướng dẫn số 06- HD/TW được ban hành nhằm thực hiện Quy định 294-QĐ/TW, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 26/5/2025 (thay thế Quy định số 232- QĐ/TW ngày 20/1/2025) về thi hành Điều lệ Đảng. Quy định số 294-QĐ/TW có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, có một số điểm mới, trong đó, hệ thống tổ chức của Đảng được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm cấp xã (xã, phường, đặc khu) và cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), không còn cấp huyện. Quy định 294-QĐ/TW đề cập việc thí điểm tổ chức các đảng bộ xã, phường trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy là đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng. Cấp ủy tỉnh, thành phố quyết định tổ chức đảng ở đặc khu là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc là tổ chức cơ sở đảng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương. Về nhiệm kỳ chi bộ, Quy định số 294-QĐ/TW nêu thí điểm đại hội chi bộ 5 năm một lần, so hiện nay, đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đang thực hiện đại hội 5 năm 2 lần…

Hướng dẫn số 06 - HD/TW có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Hướng dẫn số 01- HD/TW, ngày 28/9/2021của Ban Bí thư khóa XIII.

12/06/2025

"BÁC NẮM BÀN TAY THAN BỤI CỦA CHÚNG TÔI"
Hôm ấy, Bác đáp tàu từ Hà Nội lên thăm tỉnh Lào Cai. Anh Tư được phân công phục vụ toa có Bác. Thoạt đầu, anh đứng trên toa, nhìn xuống sân trông rõ Người. Anh đứng lên xoay mãi quả đấm cửa mà không mở được. Ngày thường anh chỉ “xoạch” một cái là đẩy rộng cửa ra. Bác đưa tay ra hiệu bảo Tư cứ từ từ, bình tĩnh. Anh thật không ngờ hôm nay được dịp thuận lợi nhất để tỏ lòng kính yêu Bác. Theo thói quen, anh đã chăm sóc toa xe sạch sẽ, bóng lộn. Cả bàn ghế cũng đã sáng loáng như gương. Thế mà anh vẫn thấy mình chưa tròn nhiệm vụ. Tư mời Bác nghỉ lưng, Bác ôn tồn bảo:

- Chú cứ để mặc Bác.

Tàu vẫn chạy như thường mà sao Tư thấy lắc lư nhiều. Tư lo cho Bác không được yên tĩnh. Mặt trời từ từ vén sương núi ngoi lên vàng chóe. Bình minh ở miền trung du thật đẹp đẽ, dịu dàng. Bác từ trong toa bước ra vui vẻ hỏi anh trật tự viên:
- Chú có thể cho Bác đứng ở đầu toa ngắm phong cảnh chứ?
Anh trật tự vâng một tiếng nhẹ và cúi xuống đóng chấn song cửa cẩn thận. Tàu chạy nhanh. Vẻ mặt Bác hồng hào. Gió lùa chòm râu bạc bay lướt qua trên các cánh đồng xanh mướt và núi rừng trùng điệp. Chiếc áo nâu giản dị bay phấp phới. Bác xoay qua Tư hỏi:

- Chú đi tập kết có gia đình đi cùng không?
- Dạ thưa Bác, không ạ!
- Có nhớ vợ con không?
- Dạ có.
- Nhớ nhiều không?
- Dạ nhiều.
- Thế là tốt. Càng nhớ càng cố gắng làm việc nhé?
Bác hỏi đến cô Thọ, nhân viên trên tàu:
- Quê cháu ở đâu?
- Thưa Bác, cháu ở Hồng Quảng.
- Công tác ngành đường sắt được bao lâu rồi?
- Dạ cháu đã làm hơn ba năm...
Bác cười:

- Ở ngành nào cũng đều có mặt các cháu gái, thế là tốt.
Khi tàu đỗ, Bác đi thoăn thoắt lên đầu máy. Anh Thị lái tàu và anh em đốt than, phụ việc tay còn dầu mỡ, lấm lem, thấy Bác đến thì luống cuống. Tất cả đứng thẳng mà hai bàn chân cứ nhấp nhổm. Bác chìa tay ra. Có anh vì tự thấy tay mình bẩn quá không dám bắt tay Bác. Bác ôn tồn bảo:
- Chính là có than bụi bám bàn tay các chú thì Bác và bà con đây mới được ngồi thảnh thơi mà vẫn đi đến nơi về đến chốn được.

Thế là mọi người đều mạnh dạn đưa bàn tay đen sạm nắm lấy tay Bác. Anh Thị cảm động quá giữ bàn tay Bác một hồi lâu. Bác chúc anh em kéo hàng vượt mức và đạt kỷ lục tiết kiệm than cao hơn nữa.

Ở Lào Cai, Bác lên tàu rất đúng giờ. Tàu bắt đầu chạy mà còn hai anh làm công tác báo chí và điện ảnh đến muộn, xách cặp, vác máy chạy theo vẫy gọi tàu. Bác đồng ý đề nghị của anh em công nhân đỗ tàu lại vài phút đợi. Khi hai người leo được lên tàu yên ổn, Bác mới phê bình:

- Báo chí, điện ảnh thì phải đi trước chứ. Các chú đừng để phải chạy theo sau đoàn tàu nữa nhé!

Hai anh ngồi vào toa đưa mắt nhìn nhau bẽn lẽn. Bác đi thăm nhiều nơi: Lào Cai, mỏ A-pa-tít, cầu Làng Giàng, thị xã Yên Bái. Nơi nào cũng đông nghịt đồng bào và công nhân nghe Bác nói chuyện. Nhất là thiếu nhi thì nhanh tay, nhanh chân hơn cả. Các em vừa hoan hô vừa đổ về phía Bác như làn sóng nhỏ cuốn vào bờ. Bác về đến Hà Nội lâu rồi mà dư âm của chuyến đi còn truyền mãi...

(Theo cuốn “Hồ Chí Minh- Một huyền thoại kỳ vĩ”, NXB Lao động)

12/06/2025

Cấp thuốc bảo hiểm y tế 3 tháng, nhiều thuận lợi với người bệnh

Hàng triệu người mắc các bệnh mãn tính điều trị ổn định đều mong mỏi được kéo dài cấp thuốc BHYT thay vì 1 tháng/lần như như nhiều năm qua. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) là bệnh viện đầu tiên trên cả nước thí điểm cấp thuốc trên 30 ngày cho người bệnh mãn tính điều trị ổn định, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh như giảm thời gian chờ đợi, đi lại, tăng sự hài lòng.

Bộ Y tế đang xem xét và sắp tới đây, người bệnh mãn tính có thể được cấp thuốc tối đa 90 ngày/lần nếu thuộc nhóm bệnh đã điều trị ổn định. Đây là một bước tiến lớn trong cải cách hành chính y tế, đặc biệt mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, nhất là người cao tuổi và những người ở vùng sâu, vùng xa.

Chị Cao Thị Việt (50 tuổi, Hà Nội) mắc bệnh tuyến giáp đã điều trị ổn định nhiều năm, 2 năm trước chị phát hiện tiền đái tháo đường cũng đã điều trị ổn định. Tháng nào chị Việt cũng phải đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để tái khám và lấy thuốc.

“Bệnh của tôi điều trị ổn định nhiều năm và luôn duy trì như vậy, tôi rất mong mỏi được tăng thời gian lấy thuốc lên 2-3 tháng để tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại của người bệnh. Mỗi lần khám tôi phải đi từ 6h sáng, chờ đợi nhanh cũng mất nửa ngày mới xong, nếu hôm nào đông quá thì phải sang buổi chiều, rất mất thời gian công sức đi lại”, chị Việt chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thu Huệ (70 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán suy tuyến thượng thận, điều trị ổn định 2 năm nay, bà cũng mong mỏi kéo dài thời gian đơn thuốc BHYT lên 3 tháng. “Nhà tôi ở xa, tháng nào lên bệnh viện con tôi cũng phải đưa đi, chờ đợi lấy khám, xét nghiệm xong lấy thuốc cũng mất cả buổi. Nếu được kéo dài thời gian phát thuốc 2-3 tháng để tiết kiệm thời gian phải đi lại nhiều lần thì tốt quá”.

Không chỉ 2 trường hợp trên, mà đại đa số người mắc bệnh mãn tính điều trị ổn định lâu dài đều “kêu trời” vì phải đi khám bệnh từ sáng sớm, chờ đợi cả nửa ngày chỉ để lấy đơn thuốc, vất vả nhất là những người cao tuổi, ở xa bệnh viện. Theo PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), nếu bác sĩ đánh giá bệnh nhân điều trị đã ổn định thì kéo dài thời gian cấp thuốc lên 2-3 tháng rất thuận lợi cho người bệnh. Chẳng hạn, có người bệnh tiểu đường, hoặc tăng huyết áp đã điều trị ổn định lâu dài, không nhất thiết hàng tháng bắt người ta đến bệnh viện, rất phiền hà và gây quá tải cho cơ sở y tế.

Đánh giá sau 5 tháng triển khai thí điểm cấp thuốc trên 30 ngày tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho thấy, số lượng bệnh nhân được cấp thuốc có xu hướng tăng dần theo tháng. Tỷ lệ bệnh nhân phải quay lại khám trong vòng 50 ngày khi được cấp thuốc trên 30 ngày là khoảng 3%. Chính sách này đã góp phần giảm đáng kể tần suất đến bệnh viện của người bệnh, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm như: 8h - 10h và 13h - 15h, qua đó cải thiện thuận lợi cho công tác chuyên môn tại các khoa khám bệnh.

“Việc kéo dài thời gian kê đơn đã giảm áp lực lên hệ thống tiếp đón, quầy đăng ký, khu vực khám và lĩnh thuốc. Chính sách này cũng góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khám, thanh toán BHYT, giảm thiểu tình trạng xếp hàng chờ đợi, đặc biệt có ý nghĩa đối với người cao tuổi hoặc người khó khăn trong việc đi lại”, TS Lương Đức Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đánh giá.

Theo đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52/2017/TT-BYT và Thông tư mới dự kiến ban hành vào ngày 1/7 tới đây sẽ chính thức cho phép kê đơn ngoại trú tối đa 2-3 tháng với các bệnh mãn tính nằm trong danh mục được phê duyệt. Theo Thông tư 52/2017/TT-BYT, thời gian kê đơn tối đa chỉ 30 ngày, người bệnh dù đã điều trị ổn định vẫn phải tái khám hàng tháng chỉ để nhận thuốc. Nhiều người chỉ vì chính sách cho phép kê đơn ngắn ngày mà từ bỏ quyền lợi BHYT, chọn mua thuốc bên ngoài cho tiện, dẫn đến thiệt thòi lớn về chi phí điều trị.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc kéo dài thời gian kê đơn thuốc cho bệnh nhân mãn tính đã điều trị ổn định là hoàn toàn khả thi. Trong thời gian dịch COVID-19, Bộ Y tế từng cho phép cấp thuốc 3 tháng/lần để hạn chế người bệnh phải đến viện, kết quả cho thấy tỷ lệ biến chứng hoặc phải điều chỉnh thuốc rất thấp, chỉ khoảng 3%. Danh mục các bệnh được xem xét cấp thuốc 3 tháng/lần không chỉ gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay rối loạn tâm thần, mà còn mở rộng đến khoảng 200 bệnh khác thuộc nhiều chuyên khoa. Trong đó, có các bệnh truyền nhiễm mãn tính như viêm gan B, HIV/AIDS, các bệnh về máu và miễn dịch như tan máu bẩm sinh, thiếu máu tan máu, suy tuỷ xương, các bệnh nội tiết như suy tuyến giáp, nhiễm độc giáp và nhiều bệnh lý thần kinh, thoái hoá như Alzheimer, Parkinson, sa sút trí tuệ.

Đặc biệt, một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh, tuổi dậy thì cũng được đưa vào diện xem xét kéo dài thời gian cấp thuốc. Việc mở rộng danh mục này không chỉ giúp cho người bệnh điều trị thuận tiện hơn, mà còn góp phần giảm tải cho hệ thống y tế tuyến đầu, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý bệnh mãn tính và bệnh hiếm trong cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Vương Ánh Dương cho biết, không phải bệnh nhân nào nằm trong danh mục cũng sẽ được cấp mặc định 90 ngày thuốc. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh, mức độ ổn định, khả năng tự theo dõi và tuân thủ điều trị để quyết định số ngày kê đơn phù hợp, có thể là 30, 60 hoặc 90 ngày. Thầy thuốc kê đơn phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời hướng dẫn người bệnh nhận biết các dấu hiệu bất thường, các xử lý và thời điểm cần tài khám.

Để xây dựng danh mục bệnh hợp lý và an toàn, Bộ Y tế đã tham khảo hơn 20 bệnh viện tuyến cuối thuộc các chuyên khoa khác nhau, tổ chức thẩm định qua hội động chuyên môn và yêu cầu từng cơ sở y tế đề xuất tiêu chí cụ thể. Các yếu tố như chi phí tăng thêm, khả năng bảo quản thuốc tại nhà, nguy cơ bệnh biến chuyển hoặc phát sinh biến chứng đều được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa vào danh mục cuối cùng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhiều lần đề xuất Bộ Y tế kéo dài thời gian cấp thuốc lên 2-3 tháng để giảm gánh nặng tài chính và thời gian cho người bệnh, đồng thời giảm áp lực quá tải tại các bệnh viện. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thời gian lấy thuốc BHYT thì bệnh viện sẽ bị giảm thu nhập từ tiền khám bệnh, hoặc chi phí thuốc BHYT có thể tăng nhẹ… Tuy nhiên, nhiều bệnh viện cho biết, điều này không ảnh hưởng đến doanh thu của bệnh viện. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương khi Thông tư ban hành, đồng thời tổ chức tập huấn, triển khai đồng bộ tại các bệnh viện từ tháng 7 tới.

Trần Hằng

Kê đơn thuốc 2-3 tháng tạo thuận lợi cho người bệnh mãn tính điều trị ổn định.

Address

Xa Vung Tau

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Vũng Tàu - Phường 10 posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Share